Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

15 bộ phim dành cho các tín đồ thời trang

Từ những cao trào bất ngờ và bay bổng cho tới lãng mạn và đầy kịch tính, dưới đây là danh sách 15 bộ phim thời trang mà bất cứ ai cũng không thể bỏ qua.

  1. Phim Yves Saint Laurent (2014)

Qua bộ phim với tên gọi Yves Saint Laurent của đạo diễn Jalil Lespert, ta sẽ cảm nhận rõ được cuộc đời của một trong những tên tuổi lớn nhất trong thời trang cao cấp của Pháp, nơi giao thoa giữa tính cá nhân và tính chuyên nghiệp. Bắt đầu từ vị trí lãnh đạo của ông tại Dior vào năm 1957 cho đến việc thành lập nhà mốt thời trang của riêng mình vào năm 1961, bao gồm cả mối quan hệ của ông với Pierre Bergé, bộ phim đã nỗ lực thể hiện sự sáng tạo đầy cầu kì của thợ may người Pháp. Với việc lột tả những khoảnh khắc đầy cảm hứng, những nỗ lực thất bại và bộ sưu tập khét tiếng Russian Ballet 1976 của Saint Laurent, bộ phim đã thành công chạm đến đa khía cạnh về cuộc đời của ông. Pierre Niney đã đạt được nhiều thành tựu qua vai diễn Yves Saint Laurent, ông được trao giải César cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, vượt qua Gaspard Ulliel, một đối thủ đóng cùng vai diễn trong bộ phim Saint Laurent của Bertrand Bonello.

2. Phim The Devil Wears Prada (2006)

Phim kể về Andrea Sachs (Anne Hathaway), một nữ nhà báo trẻ, ứng tuyển vào vai trò trợ lý riêng cho bà Miranda Priestly (Meryl Streep), tổng biên tập của tạp chí Runway, cô đã trải qua một cú sốc văn hóa khá lớn. Cô gái non nớt này không quan tâm nhiều đến vẻ ngoài của mình, và cô còn có một thái độ khinh thường nhất định đối với sự hời hợt của thế giới thời trang, điều này khiến bà sếp Miranda Priestly không hài lòng và do đó Sachs thường hay bị chê bai. Được thêm thắt nhiều yếu tố bất ngờ và hài hước kèm theo diễn xuất của dàn sao hạng A, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết năm 2003 của Lauren Weisberger này thật sự là bộ phim không thể bỏ qua.

3. Phim Saint Laurent (2014)

Saint Laurent của Bertrand Bonello khám phá về cuộc đời bí ẩn và đôi khi là đầy những tai tiếng của Yves Saint Laurent. Đạo diễn đưa người xem về lại những năm 1970, thời điểm mà các nhà thiết kế nổi tiếng hướng tới những bộ trang phục vừa sáng tạo vừa thanh lịch. Trong một cuộc phiêu lưu mà khán giả được dẫn dắt đi vào tâm trí của nhà thiết kế, đạo diễn đã đưa ra những nhận định về thời đại đầy điên rồ và có nhiều biến động này. Gaspard Ulliel đã tập trung miêu tả mãnh liệt về một nhà thiết kế, người đã điên cuồng lao vào thế giới đầy cám dỗ của ma tuý và những bữa tiệc để quên đi chính con quỷ tồn tại trong bản ngã của mình.

4. Phim Funny Face (1957)

Bộ phim Funny Face đã ra đời trước cả The Devil Wears Prada. Tại một thời điểm khác và một không gian khác, Audrey Hepburn thấy mình đang sống trong câu chuyện Cô bé lọ lem ở Paris những năm 1950. Trong bộ phim hài ca nhạc này của Stanley Donen, một trong những tác phẩm cuối cùng thuộc thể loại kinh điển của Hollywood, một nhân viên hiệu sách ở Greenwich Village tên Jo Stockton, anh đam mê với triết học nhưng anh lại trở thành người mẫu cho tạp chí Quality, một ấn phẩm thời trang của Mỹ, sau khi bị nhiều người thuyết phục. Maggie Prescott – biên tập viên của tạp chí và nhiếp ảnh gia Dick Avery đã hợp tác cùng nhau để thuyết phục Stockton làm người mẫu cho họ. Lấy bối cảnh ở Paris thời hậu chiến, được nhấn nhá bằng âm nhạc của George và Ira Gershwin, Jo và Dick yêu nhau, đây là sự kết hợp của hai con người từ hai thế giới riêng biệt mà ngay từ đầu không hề ăn khớp với nhau.

5. Phim Coco before Chanel

Bộ phim dắt người xem đi từ thời thơ ấu ở trường nội trú của bà cho đến khi bà lập ra nhà may của riêng mình tại Paris, thông qua sự ra đời của hãng thời trang, bộ phim tiểu sử Coco before Chanel của Anne Fontaine mang đến một góc nhìn chi tiết về cuộc đời đáng kinh ngạc của Gabrielle Chanel, người luôn say mê với công việc và luôn cháy bỏng trong câu chuyện tình yêu của chính mình. Audrey Tautou hóa thân một cách duyên dáng vào vai diễn quý bà vĩ đại này, người đã giải phóng phụ nữ thời bấy giờ bởi các thiết kế đẹp và đơn giản do bà thiết kế. Đạo diễn người Pháp quyết định tập trung vào nhà thiết kế trước khi bà đạt được thành công của mình, để người xem có thể hiểu rõ hơn về người phụ nữ đằng sau cả một biểu tượng thời trang và khắc họa một người phụ nữ với những tổn thương trong quá khứ, một tuổi thơ nghiệt ngã bị bỏ rơi và những câu chuyện tình yêu bi đát của bà. Đây quả là một bộ phim tuy nhẹ nhàng cảm động nhưng lại khắc hoạ được chính xác nhà thiết kế Coco.

6. Phim The Neon Demon

Một cô gái trẻ đến Los Angeles với hy vọng bắt đầu sự nghiệp người mẫu. Chính sự nổi tiếng nhanh chóng và vẻ ngoài trong sáng của cô đã khơi dậy cảm giác ghen tị ở những người mẫu khác. Trong khi một số người mẫu luôn nhìn cô với đầy sự ngưỡng mộ, một số khác thì không từ bất kì thủ đoạn nào để phá vỡ thành công của cô người mẫu trẻ. Tại cuộc tranh giải Liên hoan phim quốc tế Cannes 2016, The Neon Demon của Nicolas Winding Refn được công chiếu với sự tham gia của diễn viên Elle Fanning, đây cũng là vai diễn đáng quan ngại nhất trong sự nghiệp của cô.

7. Phim Coco Chanel & Igor Stravinsky (2009)

Paris vào những năm 1920… Coco Chanel là cái tên được mọi người nhắc đến nhiều nhất. Giới giàu có ở Paris đổ xô đến cửa hàng của bà ở đường số 5 rue Cambon để chiều chuộng bản thân mình bằng những món trang sức đầy nữ tính và bóng bẩy được gắn nhãn chữ C kép. Đằng sau cảnh tấp nập nhộn nhịp, nhà thiết kế ôm nỗi sầu muộn sau khi người bà yêu qua đời vì tai nạn vào tháng 12 năm 1919. Nỗi đau của bà tưởng chừng kéo dài vô tận cho đến khi bà gặp nhà soạn nhạc Igor Stravinsky, người đã trình diễn bản Sacred Spring của ông tại Nhà hát Champs-Élysées. Bị lôi cuốn bởi sức hút và tính cách của người nghệ sĩ chạy trốn khỏi cuộc Cách mạng Nga, Coco Chanel quyết định đưa chàng nhạc sĩ, vợ và các con của anh ta vào biệt thự Garches của mình, và sau đó bà trở thành tình nhân của anh ta. Chính sự kết nối đầy nhiệt huyết này mà đạo diễn Jan Kounen muốn truyền tải đến người xem qua bộ phim tuyệt đẹp diễn bởi Anna Mouglalis và Mads Mikkelsen, hai nhân vật là hiện thân cho cuộc gặp gỡ của hai bộ óc nghệ thuật đầy sáng tạo.

8. Phim Who Are You Polly Maggoo? (1966)

Đây là một bộ phim châm biếm của William Klein về thế giới thời trang, và cũng chính là một bộ phim không thể bỏ qua. Tại Paris, 1966, Grégoire Pecque (Jean Rochefort) gặp một người mẫu tên là Polly Maggoo (Dorothy McGowan), như một phần của phóng sự truyền hình có tiêu đề Who Are You Polly Maggoo? (tạm dịch “Em là ai hả Polly Maggoo?”) Với mục đích chính là mỉa mai và trào phúng, bộ phim này thể hiện những gì tuyệt vời nhất về thập niên 1960 đầy quyến rũ và phong cách.

9. Phim The Dressmaker (2015)

Trong bộ phim Úc công chiếu năm 2015 được chắp bút bởi đạo diễn Jocelyn Moorhouse, diễn viên Kate Winslet xinh đẹp vào vai một thợ may quần áo thành công tên là Tily, người đã trở về quê hương nhỏ của mình ở Úc sau một thời gian sinh sống tại châu Âu. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà cô trở về, ít ai biết được động cơ thật sự của Tilly, chúng ta chớ quên rằng chính những người hàng xóm năm xưa đã hủy hoại tuổi thơ của cô. Được thêm thắt với một lượng tình tiết hài hước hợp lý, The Dressmaker đã thành công khắc hoạ một xã hội chỉ toàn những đả kích, nơi mà một tin đồn cũng sẽ thổi bùng lên cơn giận dữ của công chúng.

10. Phim Phantom Thread (2017)

The Phantom Thread kể câu chuyện về Reynold Woodcock (do diễn viên Daniel Day-Lewis thủ vai và cũng chính là vai diễn cuối cùng của ông), người quyền lực nhất trong giới haute-couture tại London vào những năm 1950. Thước phim biên niên sử thời trang tao nhã này kể về một câu chuyện tình đẹp, do Paul Thomas Anderson làm đạo diễn. Ngoài ra, bộ này phim này còn được trao giải Oscar cao quý cho Trang phục đẹp nhất

11. Phim Zoolander (2001)

Vào năm 2001, khán giả đã được một phen giải trí ra trò với bộ đôi hài hước Ben Stiller và Owen Wilson, hai người đã cùng nhau hợp tác trong 13 bộ phim trong suốt 20 năm qua: Startsky và Hutch (2004), bộ ba tác phẩm Meet the Father, hai bộ phim Zoolander, và phim The Royal Tenenbaums của Wes Anderson. Trong bộ phim cực kì vui nhộn lần này, khán giả sẽ theo chân cuộc phiêu lưu của nam người mẫu Derek Zoolander do Stiller thủ vai, người không may bị tẩy não bởi một trong những nhân vật phản diện xấu xa nhất trong giới thời trang. Với sự góp mặt của các tên tuổi hạng A như David Bowie, Milla Jovovich, Tom Ford, Natalie Portman và Lenny Kravitz, có thể nói đây là bộ phim quy tụ nhiều biểu tượng thời trang nhất từ trước cho đến nay.

12. Phim Personal Shopper (2016)

Dễ để nhận thấy rằng Chanel chính là nhà mốt đã cung cấp trang phục cho bộ phim của đạo diễn Olivier Assayas này, diễn viên Kristen Stewart vào vai một người bị dày vò bởi sở thích mua sắm cá nhân của chính mình. Bắt đầu sự nghiệp là nàng thơ của Chanel kể từ Métiers d’Art Paris-Dallas fashion show, Stewart đã nhập vai một trợ lý, người bị rối loạn ám ảnh bởi linh hồn của người em song sinh đã qua đời của cô. Sau cùng, cô đã buộc phải đi ăn cắp từ quản lý của mình, nhưng ai mới thật sự là người đáng trách ở đây? Olivier Assayas đã thành công mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim Personal Shopper tại Liên hoan phim Cannes 2016.

13. Phim Ready to Wear (1994)

Được đóng máy quay xuyên suốt tuần lễ thời trang Paris vào mùa xuân năm 1994, Ready to Wear đưa người xem vào thế giới thời trang haute couture tại Paris hào nhoáng, phim có tình tiết gây sốc bởi cái chết đáng ngờ và mờ ám của chủ tịch Hội đồng thời trang trong một vụ tắc đường. Phim được mong chờ bởi sự góp mặt của bộ đôi lịch lãm, Sophia Loren và Marcello Mastroianni, hai gã khổng lồ trong thế giới điện ảnh Ý.

14. Phim Would I Lie to You? (1997)

Trong lúc đang tuyệt vọng và thất nghiệp, Eddie (do Richard Anconina thủ vai) được thuê bởi ông chủ người Do Thái của một công ty dệt may có tên American Dream, ở khu Sentier của Paris. Vấn đề mấu chốt duy nhất ở đây là Eddie đã bị hiểu nhầm là người Do Thái, đây là lý do duy nhất giải thích cho việc tuyển dụng trót lọt của anh. Liệu sự thật sẽ bị phanh phui hay không?

15. Phim Confessions of a Shopaholic

Becky có một vấn đề, đó là cô ấy không thể ngừng việc mua sắm. Đối với cô, chi tiêu cho trang phục mới là điều làm bản thân cô cảm thấy mình đang thật sự sống. Trớ trêu làm sao, cô đã được thuê với vai trò là cây viết cho một tạp chí tài chính, nhiệm vụ của cô là phải đưa ra lời khuyên về vấn đề tiết kiệm chi tiêu cho độc giả. Vì phải cật lực che giấu đi cơn nghiện mua sắm của mình trước mặt sếp và các đồng nghiệp, Becky đã phải khống chế con quỷ xấu xa bên trong cô, nhưng có thể cô sẽ đánh mất cả chính bản thân của mình trong công việc này.

Chuyển ngữ: Hoàng Vũ Anh Thư

Nguồn: https://www.vogue.fr/fashion-culture/article/the-15-best-films-about-fashion

Post a Comment