Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ – Cụ bà 99 tuổi từng may gối cho vua Bảo Đại

Sinh ra trong gia đình có nguồn gốc hoàng tộc, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (ngụ tại xã Hương Cần, huyện Hương Trà) là người hiếm hoi còn biết cách làm gối trái dựa cung đình. Năm nay cụ Huệ đã 99 tuổi nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt, đôi mắt vẫn tinh nhanh đủ để tỉ mẩn làm ra một chiếc gối mang tính văn hóa lịch sử.

Bà Huệ là cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm (con trai thứ 57 của vua Minh Mạng). Năm 17 tuổi, bà vào cung học may vá, thêu thùa. Từ đây, bà được tiếp xúc với gối trái dựa, loại gối có nhiều nếp gấp, có thể gập mở tùy ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay trong lúc ngồi đọc sách, ngâm thơ, uống rượu… Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả nên mọi người mới quen gọi với cái tên là gối cung đình.

Theo lời bà Huệ, người may gối phải tuân thủ một số quy tắc nghiêm ngặt, như gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu, phi tần và các quan phải đủ 4 lá. Được giao may gối cho vua Bảo Đại, bà Huệ phải rất chú ý đến kích thước của ghế và lượng bông nhồi sao cho phù hợp vì vua cao to hơn những vị hoàng đế thời trước. Nhờ đó, vua Bảo Đại rất vừa lòng với chiếc gối trái bà Huệ may, thậm chí còn đặt bà may gối tặng cho những người bạn Pháp của vua.

Để làm gối trước tiên phải cắt mảnh vải theo khổ, rồi may thành ô vuông, sau đó xé bông dậm cho vuông góc, xong rồi mới khâu, kết cái gối lại cho thành 5 lá. Xong lại may vải bọc ngoài, khâu như khâu vắt thật kỹ, thật nhỏ, đừng để cho thấy dấu chỉ thì là đẹp. Một chiếc gối đẹp là gối không bị lộ mũi chỉ. Thời còn ở trong cung, những chiếc gối của cụ Huệ làm ra đều được công nhận như vậy. Khi không còn Đức Từ Cung cũng như đất nước thời bấy giờ nhiều biến động, cụ Huệ đã về lại làng Hương Cần sống với tuổi già và gắn bó với nghề làm gối cho đến tận bây giờ.

Theo thời gian, xã hội thay đổi, không còn nhiều người sử dụng loại gối này nữa. Thi thoảng, bà chỉ được đặt may thay thế những gối thờ trong các di tích. Bẵng đi một thời gian ít làm gối, bà có cơ duyên gặp một nhà nghiên cứu muốn phục dựng lại những truyền thống Huế. Từ đây, kỹ năng làm gối trái dựa của bà Huệ được nhiều người biết đến hơn. Bà bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên, một số người mua mừng thọ, một số người thích cổ phục thì mua để trang trí. Bà còn từng được đoàn làm phim “Phượng Khấu” mời hướng dẫn làm gối để sử dụng trong các cảnh quay.

Mặc dù nghề làm gối không còn phát triển, bà vẫn mong muốn có thể truyền nghề cho nhiều người để giữ gìn truyền thống, hiểu về ý nghĩa của chiếc gối. Học trò đầu tiên của bà là con dâu, chị Lê Thị Liền, tiếp đó là cháu gái. Ngày nay, cả 3 người thường hỗ trợ nhau để may một chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh. Mỗi chiếc gối có 5 lá bà bán ra với giá 1,8 triệu đồng. “Giờ tôi cũng không còn đủ sức khỏe để phát triển cái nghề này, nhưng bỏ thì sau này tiếc. Tôi dạy cho con dâu để giữ nghề, giữ văn hóa. Sau này ai cần, người ta hỏi thì còn làm được”, bà Huệ tâm sự.

Nguồn: Tổng hợp

Post a Comment