Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

fashion career: Cơ hội phát triển của sinh viên thời trang sau khi tốt nghiệp

Thời trang là một trong những lĩnh vực yêu cầu tương đối khắt khe về kinh nghiệm, chỉ hoàn thành chương trình học ở nhà trường là chưa đủ để bạn trở thành một nhà thiết kế dày dặn, đủ sức đảm nhận vai trò dẫn đầu của một thương hiệu thời trang lớn. Vậy thì giải pháp nào dành cho những sinh viên thời trang muốn tiếp tục theo đuổi con đường trở thành một NTK chuyên nghiệp hay tìm cho mình chỗ đứng trên thị trường? Sau đây là gợi ý từ FACE – The Fashion Design Academy cho sinh viên thời trang mới ra trường.

1. Đăng ký làm thực tập sinh

Thực tập sinh trong bộ phận thiết kế là vạch xuất phát mà hầu hết sinh viên thời trang đều có thể được các công ty thời trang nhận vào, kể cả khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở vị trí thực tập sinh, đa phần các bạn sẽ được giao những nhiệm vụ nhỏ mang tính hỗ trợ như nghiên cứu (research) và phân tích về xu hướng, tìm kiếm các nguồn vải, vẽ phác thảo ý tưởng,… hay những một công việc nhỏ trong quá trình may hoàn thiện mẫu (sample).

Nếu biết tận dụng thời gian để thể hiện năng lực cá nhân thì các bạn sinh viên có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế không được giảng dạy trong nhà trường, đồng thời thể hiện năng lực cá nhân để được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi hết thời gian thực tập.

2. Trở thành trợ lý thiết kế

Virgine Viard – giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Chanel từng là trợ lý thiết kế cho Karl Lagerfeld từ năm 1992 khi ông còn làm việc ở Chloe và tiếp tục là cánh tay phải đắc lực của Karl tại Chanel kể từ năm 1997. Matthieu Blazy – giám đốc thiết kế tại Calvin Klein, từng bắt đầu với vai trò một thực tập sinh tại John Galliano và Balenciaga, sau đó anh làm trợ lý cho Raf Simons ở Antwerp. Đây là những ví dụ điển hình cho thấy việc bắt đầu từ vai trò trợ lý thiết kế là con đường phổ biến nhất để đến được vị trí NTK chính của thương hiệu.

Nếu như thực tập sinh chỉ đảm nhận một công việc nhỏ trong công việc của cả một bộ phận thiết kế thì trợ lý thiết kế có nhiều cơ hội để đưa ra ý tưởng sáng tạo hơn, thậm chí ở các thương hiệu lớn, vai trò trợ lý thiết kế nắm giữ nhiều trách nhiệm quan trọng trong việc thực thi phát triển sản phẩm của hãng theo chỉ định từ NTK chính.

3. Kinh doanh thương hiệu cá nhân

Tự mở một thương hiệu cá nhân là lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ đam mê thời trang. Với hướng đi này, các NTK có thể tự do quyết định cá tính của thương hiệu, số lượng mẫu thiết kế ra theo tuần / tháng dựa trên mong muốn của bản thân mà không chịu áp lực từ phía “sếp”. Mặt khác, khi tự kinh doanh thương hiệu riêng cũng đồng nghĩa với việc các NTK phải tự trang bị cho mình kiến thức vận hành bộ máy kinh doanh, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư… thay vì chỉ tập trung vào quá trình sáng tạo.Nếu không có điều kiện tài chính vững chắc thì đây sẽ là con đường khó khăn với các NTK trẻ mới ra trường.

Tựu chung lại, sinh viên thời trang sau khi tốt nghiệp có kha khá cơ hội để tìm được công việc phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đang trên đà phát triển. Điều quan trọng là bạn cần xây dựng cho mình một hồ sơ – portfolio cá nhân thật chắc chắn, thể hiện tư duy sáng tạo cũng như những sản phẩm, những thử nghiệm trong quá trình học tập để chứng minh năng lực của bản thân.

Tham khảo thông tin các khoá học Thiết kế thời trang dài hạn của FACE – The Fashion Design Academy tại đây. Cần được tư vấn vui lòng inbox hoặc gọi số hotline để được tư vấn khóa học phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.

FACE – The Fashion Design Academy
TP.HCM: 213A, Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.3
Hà Nội: Nhà 28, ngõ 221, Kim Mã, Q. Ba Đình
www.facefashiondesignacademy.com
Hotline: Hà Nội: 0929 653 592 – Ms Hà Anh
Saigon: 0908 390 305 – Ms Chúc Bùi

Post a Comment