Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

Fashion Guide: 6 loại vải phổ biến dùng cho trang phục cưới và đầm dạ hội

Để tạo nên những mẫu thiết kế đẹp, nhà thiết kế không chỉ am hiểu về cách dựng phom dáng mà còn cần tinh tế trong việc chọn lựa chất liệu. Có thể nói, 3 điều quan trọng nhất làm nên đẳng cấp của một chiếc váy cưới hay đầm dạ hội là kiểu dáng, chất liệu và kỹ thuật.

Bạn có thể nhận thấy trên thị trường, nhiều kiểu dáng trang phục không tệ nhưng lại không được sang trọng bởi vì chất liệu không tôn hết được thiết kế. Chỉ cần một chút thay đổi ở vải, như cứng hơn hay rũ hơn, cũng đủ khiến tạo nên sự khác biệt của hai bộ trang phục dù cùng một kiểu. Từng thiết kế khác nhau cần được may với những chất liệu phù hợp, nên việc chọn lựa chất vải cũng thể hiện tay nghề của một nhà thiết kế.

FACE – The Fashion Design Academy gợi ý 6 loại chất liệu cơ bản thường được dùng trong thiết kế trang phục cưới và dạ hội. Tuy nhiên, các học viên cũng cần tìm tòi, nghiên cứu ngoài thực tế để hiểu nhiều hơn về thế giới chất liệu vốn đa dạng và phong phú. Những đặc tính của chất liệu sau đây chỉ mang tính tham khảo cơ bản, thế giới vải vóc vốn đa dạng hơn rất nhiều.

1. Nhung:
Vải nhung có những đặc tính: mềm mại, sáng bóng, màu sắc rực rỡ, có độ rũ cao, bề mặt có độ bóng, mềm mại và mượt mà, có độ bền cao – từ đó thường được chọn để tạo nên những mẫu đầm dạ hội sang trọng, quyến rũ và nữ tính. Những thiết kế làm từ vải nhung có khả năng đổi màu tùy theo ánh sáng và cử động cơ thể. Nhung có thể được dệt từ lụa tự nhiên hoặc là sợi vải tổng hợp. Chất liệu này cũng có đa dạng độ dài sợi vải khác nhau để phù hợp với sở thích và từng thiết kế riêng biệt. Vải nhung phù hợp với những thiết kế đầm dài đuôi cá ôm sát cơ thể trang nhã. Ngoài ra, những thiết kế nửa trên là vải nhung và nửa dưới là đầm xoè phồng bằng vải voan cũng là một sự lựa chọn thông minh.

Ralph Lauren Spring 2019

2. Chiffon:
Vải chiffon có đặc tính mềm nhẹ, có độ rũ vừa, mỏng và xuyên thấu. Nhờ đó, vải chiffon là chất liệu hoàn hảo để tạo nên những đường xếp nếp bay bổng. Với vải chiffon thường được sử dụng làm chất nền hoàn hảo để tạo nên những mẫu đầm suông dài, nhiều tầng và bềnh bồng.

3. Georgette (Lụa voan):
Georgette là chất liệu vải mỏng, trong suốt và nhẹ bẫng như mây. Georgette thường được làm từ lụa, nhưng vẫn có những chất vải được làm từ sợi tổng hợp. Đây là chất liệu rất phổ biến trong thiết kế đầm dạ hội. Georgette có khả năng giữa chặt những hoạ tiết đính cườm hay đá trên thiết kế rất tốt. Rất nhiều mẫu đầm đình đều được làm từ chất vải georgette.

4. Vải lụa crepe:
Lụa crepe có cấu trúc dệt dày đặt và sở hữu một độ bóng nhất định. Vì thế, bề mặt của vải lụa crepe khá nhẵn mịn, và có độ rũ cao. Thêm vào đó, chất vải crepe rất dễ tạo hình, độ rũ vừa phải lại ít nhăn nên bạn có thể tha hồ sáng tạo nhiều kiểu dáng trang phục với các đường cắt xẻ độc đáo. Đây là loại vải thường được dùng để thiết kế đầm dài với nhiều chi tiết xếp nếp hoặc xếp li nhuyễn.

5. Satin:
Satin sở hữu bề mặt bóng loáng và mềm mịn, ánh sáng khi chạm vào bề mặt vải sẽ phản chiếu nhẹ nhàng,tạo nên những chuyển động màu sắc đẹp mắt trên trang phục. Vải satin phù hợp với hầu hết thiết kế đầm vũ hội, từ đầm đuôi cá đến đầm xoè rộng. Thế nhưng, để tận dụng hết sức mạnh của satin, bạn nên ưu tiên những thiết kế đầm xòe dài chạm đất lộng lẫy.

Valentino Haute Couture Fall 2018

6. Organza
Organza với chất vải mịn màng nhưng cứng cáp hơn vải voan, thường có độ trong, đôi khi hơi thô và cứng, có chút ánh bóng, rất thích hợp để tạo nên những thiết kế phồng xoè hay có nhiều tầng lớp. Bằng cách tạo nhiều tầng vải organza, bạn có thể tạo nên hiệu ứng váy 3D sống động và bồng bềnh tựa lông vũ. Chất vải organza thường được dùng để tạo nên phần chân váy phồng cho những chiếc đầm công chúa hay đầm đuôi cá.

Post a Comment