Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

Làng tơ Cổ Chất – Nam Định: nổi lửa lò ươm, giữ nghề truyền thống

Làng nghề tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời khỏi lịch sử truyền thống và hiện đại của làng quê Bắc Bộ. Tỉnh Nam Định là vùng đất tập trung nhiều làng nghề truyền thống nhất ở miền Bắc. Để gìn giữ tiếng thoi truyền đời, xa quay kẽo kẹt và mùi nhộng tằm tanh ngai ngái của cơ nghiệp cha ông, huyện Trực Ninh – Nam Định vẫn cố gắng vẫn duy trì nghề ươm tơ dệt vải ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp. Trong đó, riêng làng Cổ Chất vẫn còn bám trụ với nghề ươm tơ thủ công. Trong những ngày hè nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, một số hộ dân Cổ Chất vẫn miệt mài ươm tơ như một sinh kế, cố gắng trước sự mai một của nghề thủ công và lạc quan tin tưởng rằng làng sẽ không bị mất nghề.

“Nam Định có bến Đò Chè. Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”

Ngôi làng nhỏ nằm ven sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định. Xưa kia làng Cổ Chất sống nhờ vào nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, quay sợi. Theo các bậc cao niên của làng, cái nghề tang tằm đã tồn tại ở Cổ Chất khoảng vài trăm năm, nhiều gia đình đã trải qua gần chục đời sinh sống bằng cái nghiệp nong tằm né kén guồng tơ.

Thời thuộc Pháp vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngày đầu làng. Từ đây, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Làng Cổ Chất và huyện Trực Ninh nói chung từng có lúc là vành đai nguyên liệu chính của công ty Bông Vải Sợi Bắc Kỳ (chủ quản là một số nhà tư bản người Pháp) trong những năm 1900. Khoảng vài thập kỷ gần đây, Cổ Chất vẫn còn phú thịnh và là nơi cung cấp tơ sợi chất lượng cho các làng dệt lụa nổi tiếng trong nước. Xót xa thay, trải qua thăng trầm lịch sử, Cổ Chất hiện không còn gìn giữ được nong tằm nương dâu.

Từ xưa đến nay, kỹ thuật ươm tơ ở làng Cổ Chất đã trứ danh khắp xa gần. Có lẻ sự khác biệt giữa tơ sợi làng Cổ Chất so với tơ ở vùng khác đã khiến cho nghề ươm còn trụ nổi ở vùng đất hiền hòa này. Kỹ thuật ươm tơ thủ công đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ. Từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi, tạo nên những nén tơ căng chắc và óng mượt. Tuy nhiên, kỹ thuật ươm tơ truyền thống này đang dần thất truyền, vì ngay cả các nhà nghề hiện giờ cũng khó có thể nối nghiệp bởi lớp trẻ. Và mai đây, biết có tìm được nương dâu kén tằm nữa chăng để mà ươm tơ kéo sợi.

Bếp ươm tơ gia đình chị Nguyễn Thị Yến, hộ gia đình ươm tơ nhiều nhất làng

Thời vụ ươm tơ ở làng Cổ Chất

Làng Cổ Chất ươm cả tơ vàng lẫn tơ trắng, nhưng tùy theo mùa. Vụ ươm tơ đầu tiên bắt đầu từ khoảng tháng 2 – 3 âm lịch cho đến tháng 9 âm lịch hàng năm, hoặc có thể làm thêm vụ tằm ép cuối năm vào tháng 12 dương lịch nếu có kén. Thời điểm cuối tháng 4, tìm đến làng Cổ Chất chỉ thấy những bó tơ trắng phơi trên những thanh sào tre cuối chợ. Ngay gần đó là xưởng ươm tơ của gia đình chị Nguyễn Thị Yến, nơi những người phụ nữ miệt mài làm việc bên lò luộc kén, đôi tay liên tục khoáy đũa đảo kén đưa đẩy những sợi tơ mỏng manh từ kén tằm cuốn vào guồng tơ quay tít, màn hơi nóng bốc lên nghi ngút trong một không gian tối tăm ẩm ướt.

DSC01235.jpg

Gian truân đi tìm mối tơ kéo kén

Ngày nay, hầu hết nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất nói riêng. Những người đã từng làm nghề và thế hệ trẻ phần vì không đủ tâm huyết để theo nghề, phần vì giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm, những ai muốn bám nghề phải vô cùng vất vả để tìm kiếm nguồn nguyên liệu lẫn thị trường.

Làng ươm tơ Cổ Chất - Nam Định

Nguồn cung cấp kén chính cho làng Cổ Chất xưa kia, nằm ở thôn Hợp Hòa nằm cạnh bên bờ đê sông Ninh Cơ, cùng thuộc xã Phương Định. Diện tích đất trồng dâu của thôn hiện nay không còn nhiều, nghề chăn tằm nai (tằm dệt) cực khổ hơn nhiều lần so với tằm ré (tằm ta, nuôi lấy nhộng làm thực phẩm), giá thành bán ra cũng không cao bằng, nên hầu hết hộ dân ở thôn Hợp Hòa buột phải chuyển sang nuôi tằm ré. Giờ đây, làng Cổ Chất phải thu mua kén tằm ở khắp các vùng lân cận, từ Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam cho đến Gia Lâm (Hà Nội).

Tơ nhà đem bán chợ người

Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Các thương lái đến mua ở tận làng, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận Hà Nội, tuy nhiên tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và cả Trung Quốc.

Bài: Xu

Theo Style-Republil.com

Post a Comment