Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

[Video] Lược sử thương hiệu Dior

 

Năm 1947, Dior ra mắt BST đầu tiên với tên gọi “Corolle” và ngay lập tức được tổng biên tập của tờ Harper Bazaar Carmel Snow ngợi khen là một “New Look” của thời đại. Bản thân Dior cũng từng ví BST này như “pháo hoa nổ giữa Châu Âu vốn đang mệt mỏi vì bom đạn”.

Quay lại thời điểm lịch sử mà bộ trang phục ra đời – năm 1947, hai năm sau khi Thế Chiến thứ II kết thúc. Cuộc đại chiến kéo dài 6 năm, cùng với trước đó là cuộc Đại khủng hoảng dẫn tới suy kiệt về kinh tế. Trong hơn một thập niên, phụ nữ gần như sống chung với những mẫu trang phục gọn gàng, đơn giản bởi sự thiếu hụt nguyên liệu. Và Dior, chứng kiến sự buồn tẻ của thời trang lúc bấy giờ, đã quyết định trả lại cho phụ nữ giấc mơ thời mà họ xứng đáng có được.

Kết hợp cảm hứng từ Kỷ nguyên tươi đẹp của thập niên 20 – Belle epoque, nỗi ám ảnh của bản thân NTK với những bông hoa nơi khu vườn vùng Granville nơi ông lớn lên, khao khát vực dậy nền haute couture ảm đạm, Dior tạo nên New Look, với điểm nhấn là The Bar suit. Thiết kế gồm một chiếc áo jacket và chân váy xoè rộng được tạo nên từ hơn chục mét vải – một sự xa xỉ gây tranh cãi lúc bấy giờ. Người ta xì xào chê trách Dior bởi sự xa hoa lãng phí song cũng có những người ủng hộ ông bởi kỹ thuật thủ công tuyệt vời lẫn sự táo tợn, dám xoá bỏ định kiến cố hữu về trang phục phụ nữ trong suốt nhiều năm.

Thiết kế tôn vinh đường nét gợi cảm của phụ nữ nhờ phom dáng đồng hồ cát được tạo nên từ phần vai rộng, eo hẹp và tùng váy xoè phồng từng cực kỳ thịnh hành thời Victoria tuy không lập tức chinh phục toàn bộ phụ nữ, song dần dần New Look đã được đón nhận đúng với giá trị mà nó mang lại. Tất cả những điều này được thực hiện nhờ khối óc biết tìm tòi nghiên cứu, bàn tay khéo léo đã có nhiều năm rèn luyện tại các xưởng thời trang danh tiếng của Robert Piguet, Lucien Lelong, Marcel Boussac và bản ngã tân tiến vượt lên thời đại.

Christian Dior bất ngờ qua đời vào năm 1957 do một cơn đau tim khiến giới mộ điệu bàng hoàng. Dẫu vậy, ADN thương hiệu và tinh thần thời trang cốt lõi của nhà mốt vẫn còn được kế tục và phát triển bởi những tài năng thiết kế như Yves Saint Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferre, John Galliano, Raf Simons và gần đây nhất là Maria Chiuri. Sau hơn 70 năm trụ vững tại kinh đô thời trang của thế giới, những gì mà Monsieur Dior từng tạo nên vẫn còn được ứng dụng trong những thiết kế hiện đại và tạo sức ảnh hưởng nhiều NTK thời kì sau như Thom Browne, Miuccia Prada, or J. W. Anderson. Mời bạn theo dõi video để có cái nhìn tổng quan về “triều đại” của House of Dior qua các thời kì, kể từ sau cơn chấn động mang tên “New Look” cho tới ngày nay!

Post a Comment