Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

NHỮNG NHÀ THIẾT KẾ TIÊU BIỂU NHẤT LỊCH SỬ TRONG 100 NĂM QUA

Trong lịch sử thời trang, có những nhà thiết kế mãi mãi được nhớ đến vì đã vượt qua mọi giới hạn để tạo nên sức ảnh hưởng đến phong cách thời trang của tất cả chúng ta. Từ những bộ váy nổi tiếng của Coco Chanel đến những sáng tạo độc đáo của Alexander McQueen, những nhà thiết kế này đều là biểu tượng trong lịch sử như những bậc thầy về gu thẩm mỹ và tầm nhìn xuất chúng. 

Cùng FACE điểm lại 30 nhà thiết kế thời trang tiêu biểu nhất trong 100 năm qua.

Coco Chanel nổi tiếng với sản phẩm nước hoa vượt thời gian cùng trang phục váy và đầm đen thịnh hành.

Nhà thiết kế thời trang người Pháp Gabrielle “Coco” Chanel. Ảnh: AP

Vào đầu những năm 1900, các thiết kế của Chanel mang xu hướng năng động hơn, phóng khoáng hơn so với các trang phục khác cùng thời vì không yêu cầu áo nịt ngực. Chanel cũng được biết đến với những sản phẩm nước hoa mang tính biểu tượng như Chanel No.5.

Salvatore Ferragamo đã từng là thợ đóng giày người Ý trước khi nổi tiếng vào thập niên 1930.

Salvatore Ferragamo. Ảnh: David Lees/Getty Images

Vào những năm 1950, Ferragamo mở rộng mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và bắt đầu sản xuất thủ công khoảng 350 đôi giày với đội ngũ gồm 700 nghệ nhân.

Trên giường bệnh vào năm 1960, Ferragamo yêu cầu gia đình tiếp tục công việc kinh doanh sáng tạo nên những đôi giày hoàn hảo. Ngày nay, thương hiệu cùng tên của ông chuyên về giày dép, đồ da, trang phục sang trọng…

Christian Dior đã phát minh vóc dáng “New Look” với đặc trưng là váy chữ A và vạt áo vừa vặn.

Christian Dior, nhà thiết kế “New Look” và “A-line” vào tháng 4 năm 1950. Ảnh: Fred Ramage/Keystone/Getty Images

Phong cách này đã định nghĩa thời trang những năm 1950. Đến nay Dior vẫn được công nhận là một trong những cái tên có ảnh hưởng nhất đến thời trang cao cấp và trang phục dạ hội của phái đẹp.

Cristóbal Balenciaga chưa từng được đào tạo chính quy nhưng được xem là một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.

Nhà thiết kế Cristóbal Balenciaga và tổng biên tập Harper’s Bazaar Carmel Snow năm 1952.
Ảnh: Walter Sanders / The LIFE Picture Collection / Getty Images

Balenciaga chuyên về trang phục dạ hội và quần áo may đo tinh tế. Ngày nay, thương hiệu này tập trung nhiều hơn vào xu hướng streetwear và những ý tưởng độc đáo, chẳng hạn như “đôi giày tất” phổ biến trong vài năm qua.

Hubert de Givenchy được nhớ đến là nhà thiết kế yêu thích của Audrey Hepburn.

Audrey Hepburn với Hubert de Givenchy trong xưởng của ông ở Paris. Ảnh: Sunset Boulevard/Corbis/Getty Images

Vào thời điểm đó, nữ diễn viên được biết đến là nàng thơ có ảnh hưởng nhất của Givenchy, đã mặc những thiết kế của nhà thiết kế người Pháp trong các bộ phim Breakfast at Tiffany’s, Funny Face, Charade và các tác phẩm khác. Phong cách Thẩm mỹ của Givenchy là tinh gọn, cổ điển và đậm chất nữ tính.

Nhà thiết kế Pháp Pierre Balmian đã sản xuất dòng nước hoa đầu tiên của Revlon và thường xuyên chuẩn bị trang phục cho Nữ hoàng Thái Lan Sirikit.

Nhà thiết kế người Paris Pierre Balmain cùng một người mẫu trong trang phục Midnight Bathing Suit với váy. Ảnh: Bettman/Getty Images

Sau vụ hợp tác bất thành với Christian Dior, nhà thiết kế này đã phải vật lộn để giành được sự công nhận từ những người đồng nghiệp như Chanel, Dior hay Balenciaga. Tuy nhiên, ông vẫn được nhớ đến như một trong những nhà thiết kế thời trang Pháp vĩ đại trong lịch sử.

Nhà thiết kế trang phục người Mỹ Edith Head đã giành được kỷ lục 8 giải Oscar Thiết kế trang phục đẹp nhất.

Edith Head, giám đốc thiết kế trang phục của Paramount Pictures cùng cặp kính ấn tượng. Ảnh: Bettman/Getty Images

Bà đã chuẩn bị trang phục cho tất cả mọi người, từ Grace Kelly và Cary Grant đến Elizabeth Taylor và Marlene Dietrich.

Phong cách cá nhân – cụ thể là cặp kính lập dị và mái tóc cắt ngắn – đã khiến bà trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng dễ nhận biết và một số người tin rằng bà đã truyền cảm hứng cho nhân vật Edna Mode trong “The Incredibles”.

Yves Saint Laurent đến Paris và bắt đầu làm việc cho Christian Dior khi còn là một thiếu niên.

Nhà thiết kế thời trang người Pháp Yves Saint Laurent và các người mẫu ăn mừng buổi giới thiệu bộ sưu tập mùa xuân thứ hai tại Nhà Dior
tháng 1 năm 1960. Ảnh: Express/Archive Photos/Getty Images

Sau khi thành lập hãng thời trang riêng, nhà thiết kế đã tạo ra những bộ đồ và trang phục chưa từng xuất hiện trước đây như bộ vest Le Smoking biểu tượng năm 1966, áo vest dài bó sát năm 1962, áo khoác sheer năm 1966 và bộ jumpsuit năm 1968.

Emilio Pucci nổi tiếng với các thiết kế có họa tiết bắt mắt rực rỡ.

Nhà thiết kế thời trang Florentine Emilio Pucci cùng một số người mẫu diện trang phục của ông cùng thảo luận về mẫu thiết kế mới
ở Florence, Ý năm 1959. Ảnh: David Lees/Corbis/VCG/Getty Images

Elizabeth Taylor, Lauren Bacall, Gina Lollobrigida và Jacqueline Kennedy Onassis trong những trang phục lập dị mang dấu ấn của Pucci.

Paco Rabanne trứ danh với những thiết kế lấy cảm hứng từ không gian cuối những năm 1960.

Nhà thiết kế thời trang Paco Rabanne trên phim trường Casino Royale năm 1966. Ảnh: Doreen Spooner/Mirrorpix/Getty Images

“Link dress” kim loại đã làm nên tên tuổi của nhà thiết kế, và Jane Fonda thậm chí còn làm mẫu cho những bộ trang phục lấy cảm hứng từ tương lai của ông trong bộ phim Barbarella.

Rabanne từng nói với Vogue, “Điều quan trọng là phải giữ được sự bất cần triệt để. Sự sáng tạo phải gây sốc.”

Nhà thiết kế người Ý Valentino Garavani, hay còn được biết đến với cái tên Valentino, trở nên nổi tiếng sau khi Elizabeth Taylor phát hiện ra một trong những thiết kế của ông trên phim trường Cleopatra ở Rome.

Nhà thiết kế Valentino trong cửa hàng ở Paris. Ảnh: Jack Nisberg/Condé Nast/Getty Images

Minh tinh Taylor mặc chiếc váy trắng đến buổi ra mắt phim Spartacus, và từ đó ngôi sao Valentino ra đời. Mặc dù Valentino được biết đến với sắc đỏ đặc trưng, bộ sưu tập “không màu” năm 1967 của ông chỉ gồm màu trắng, màu be và màu ngà đã làm nên tên tuổi cho nhà thiết kế này.

Trái ngược với những kiểu mốt đầy màu sắc và ảo giác hơn vào thời điểm đó, bộ sưu tập của Valentino nổi bật như một sự đột phá đầy mới mẻ.

Vivienne Westwood trở thành nhà thiết kế đáng chú ý trong làng thời trang punk rock cuối thập niên 1970 ở London.

Vivienne Westwood ở hậu trường trước buổi trình diễn bộ sưu tập Thu Đông 1991. Ảnh: John van Hasselt/Corbis /Getty Images

Westwood mở cửa hàng đầu tiên tại 430 Kings Road ở London vào năm 1971 và bắt đầu lấp đầy cửa hàng bằng những thiết kế lập dị lấy cảm hứng từ văn hóa nhạc punk.

Westwood được chú ý khi chuẩn bị phục trang cho các thành viên của ban nhạc punk rock người Anh Sex Pistols sau khi hợp tác với quản lý Malcolm McLaren. Sau đó, Westwood vẫn là một nhà thiết kế nổi bật trong suốt những năm 1980 – 1990.

Calvin Klein học thiết kế tại thành phố New York trước khi thành lập thương hiệu với Barry Schwartz, người điều hành bộ phận kinh doanh của công ty.

Bianca Jagger và Calvin Klein tại Studio 54 ở New York khoảng năm 1977. Ảnh: Press/IMAGES/Getty Images

Bộ đôi áo khoác và suit này đã thành công, ngay sau đó đồ thể thao của Klein cũng trở nên phổ biến. Klein sau đó đã mạo hiểm sản xuất denim, đồ lót và quần áo có logo nổi tiếng của thương hiệu cũng như một số quảng cáo đầy tính khiêu khích.

Sau khi khởi nghiệp tại Brooks Brothers, Ralph Lauren đã nổi tiếng với dòng thời trang Polo Ralph Lauren của riêng mình.

Ralph Lauren dẫn đầu nhóm người mẫu trên sàn catwalk tại một buổi trình diễn thời trang năm 1995.
Ảnh: Mitchell Gerber/Corbis/VCG/Getty Images

Sở hữu tinh thần đậm chất Mỹ, thương hiệu của Ralph Lauren tập trung vào phong cách sống thượng lưu và trở nên đồng điệu với thời trang preppy trong suốt những năm 1980, 1990 và 2000.

Betsey Johnson lần đầu tiên nổi lên vào những năm 1960 nhờ những thiết kế phá cách, sáng tạo. Tuy nhiên đến những năm 1970, thương hiệu của bà mới thực sự khởi sắc.

Betsey Johnson. Ảnh: Evan Agostini/Getty Images

Các thiết kế của Johnson nổi bật với màu sắc tươi sáng, họa tiết vui nhộn cùng gu thẩm mỹ punk-glam.

Nhà thiết kế người Ý Giorgio Armani nổi tiếng với những bộ vest thanh lịch cho cả nam và nữ.

Nhà thiết kế Giorgio Armani và các người mẫu sau buổi trình diễn thời trang Armani tại Milan ngày 23 tháng 9 năm 2018.
Ảnh: ANDREAS SOLARO/AFP/Getty Images

“Trang phục quyền lực” của Armani đã được mặc bởi Richard Gere, Michelle Pfeiffer, Jodie Foster và John Travolta. Nhà thiết kế cũng cung cấp hầu hết trang phục cho bộ phim Miami Vice. Armani kể từ đó đã mở rộng hãng thời trang của mình bao gồm trang phục dạ hội, đồ may sẵn…

Donna Karan đã mang phong cách thượng lưu New York vào các cửa hàng trên khắp nước Mỹ với dòng thời trang DKNY.

Nhà thiết kế thời trang Donna Karan tham dự Tribeca Daring Women Summit trong khuôn khổ Liên hoan phim Tribeca 2016.
Ảnh: Astrid Stawiarz/Getty Images

Năm 2004, Karan nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời do Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ trao tặng.

Nhà thiết kế giày Tây Ban Nha Manolo Blahnik nổi tiếng với những đôi giày gót nhọn sành điệu.

Nhà thiết kế giày Manolo Blahnik ký tặng khi xuất hiện tại Bergdorf Goodman ở New York. Ảnh: Amy Sussman/Getty Images

Manolo Blahnik đã được yêu mến bởi các biểu tượng thời trang trong suốt lịch sử, từ Twiggy đến nhân vật Carrie Bradshaw do Sarah Jessica Parker thủ vai trong Sex and the City. Năm 1977, Bianca Jagger mang một đôi giày Manolo Blahnik nổi tiếng khi cưỡi bạch mã tiến vào câu lạc bộ khiêu vũ Studio 54.

Tom Ford lãnh đạo Gucci từ năm 1994 đến năm 2004 trước khi thành lập thương hiệu riêng.

Tom Ford tham dự GQ Celebration Milan Men’s Fashion Week ngày 14 tháng 12 năm 2016 tại Milan, Ý. Ảnh: Victor Boyko/Getty Images

Ford đã đại tu hình ảnh tối giản của Gucci và làm cho thương hiệu trở nên sôi động hơn, mang cảm hứng hoài cổ và gợi cảm. Trong thời gian đương nhiệm, ông đã giúp doanh thu của hãng tăng từ 230 triệu lên 3 tỷ USD.

Ford đã tạo nên tiếng vang cho thương hiệu riêng khi ông tạo dáng trong bộ đồ lót Tom Ford giữa Scarlett Johansson và Keira Knightley trên trang bìa Vanity Fair năm 2006.

Michael Kors nổi tiếng với thương hiệu thời trang cùng tên và xuất hiện trong loạt show thực tế ăn khách Project Runway cùng Heidi Klum.

Michael Kors tại show diễn Michael Kors. Ảnh: JP Yim/Getty Images

Kors đã quan tâm đến thời trang ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí còn nhớ lại rằng ông đã “thở gấp vì phấn khích” khi ấn phẩm Vogue mới nhất xuất bản mỗi tháng. Ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi về các dòng thời trang cao cấp cũng như phụ kiện cho cả nam và nữ.

Kors cũng đặc biệt thiết kế chiếc váy mà Michelle Obama mặc trong bức chân dung chính thức đầu tiên của bà.

Marc Jacobs từng đảm nhận cấp bậc cao tại Perry Ellis và Louis Vuitton, nhưng thương hiệu của riêng ông đã đạt được thành công vượt bậc.

Marc Jacobs. Ảnh: Pascal Le Segretain/Getty Images

Mặc dù có hàng loạt trở ngại cá nhân trong suốt cuộc đời, bao gồm cả sự ghẻ lạnh từ gia đình và quãng thời gian nghiện rượu, ma túy nặng khiến ông phải vào trại cai nghiện, Marc Jacobs vẫn được biết đến như một “cậu bé kỳ diệu” cực kỳ tài năng của làng thời trang thế giới.

Deena Abdulaziz, một thành viên của hoàng gia Ả Rập Xê Út nói với New York Times: “Vì một số lý do, buổi biểu diễn của Marc luôn là nơi quan trọng nhất để thưởng thức, nơi mà bạn biết tất cả những người quan trọng nổi tiếng sẽ tham dự.”

Nhà thiết kế thời trang người Ý Gianni Versace luôn được tưởng nhớ kể từ khi bị ám sát vào năm 1997.

Gianni Versace và Donatella Versace trên sàn catwalk sau buổi trình diễn thời trang Versace vào tháng 3 năm 1996 tại thành phố New York.
Ảnh: Catherine McGann/Getty Images

Ông được biết đến với những thiết kế mang nét quyến rũ của bản dạng giới, và em gái của ông Donatella đã luôn duy trì tầm nhìn thông này qua vai trò lãnh đạo tại nhà mốt của người anh trai quá cố.

Versace đã đưa ngành công nghiệp thời trang vào phạm vi văn hóa đại chúng thông qua danh sách các siêu sao và người mẫu, những khách hàng trung thành đã từng diện các thiết kế của ông. Versace được cho là đã nâng tầm Cindy Crawford, Linda Evangelista, Christy Turlington và Naomi Campbell lên vị trí siêu mẫu như hiện nay.

Alexander McQueen được biết đến như kẻ phá vỡ luật chơi trước khi qua đời năm 2010.

Sarah Jessica Parker và Alexander McQueen tại Met Gala Anglomania tháng 5 năm 2006. Ảnh: Evan Agostini / Getty Images Entertainment

Cuối những năm 90 đầu những năm 2000, McQueen là nhà thiết kế được giới mộ điệu chú ý. Không chỉ thúc đẩy mà còn vượt qua ranh giới những điều khả dĩ của thời trang trong thời điểm đó, McQueen đã tạo dựng tên tuổi tại Givenchy và sau đó là nhà mốt của riêng mình.

McQueen không ngại ngùng về xuất thân từ tầng lớp thấp kém và luôn chứng tỏ bản thân là một nhà thiết kế thời trang cao cấp khác biệt. Một trong những buổi trình diễn của ông đặc biệt có sự xuất hiện của một người mẫu khuyết tật, khi cô đi catwalk bằng đôi chân gỗ.

“Bạn phải biết các quy tắc để phá vỡ chúng. Đó là lý do tôi ở đây, phá bỏ các quy tắc nhưng vẫn bảo toàn truyền thống”, nhà thiết kế Alexander McQueen nổi tiếng nói về các thiết kế phá cách của mình.

McQueen ra đi năm 40 tuổi sau khi người bạn lâu năm Isabella Blow và mẹ của ông qua đời.

Azzedine Alaia nổi tiếng với những thiết kế ôm sát cơ thể được các ngôi sao yêu thích trong hơn 30 năm qua.

Kourtney Kardashian và Azzedine Alaia tham dự Tuần lễ thời trang Paris ngày 2 tháng 10 năm 2016 tại Paris, Pháp.
Ảnh: Bertrand Rindoff Petroff/Getty Images

Sau khi học việc Thierry Mugler, Christian Dior và Guy Laroche, Alaia bắt đầu dòng thời trang riêng đầu những năm 1980. Các thiết kế của ông đặc biệt ôm sát cơ thể, làm nổi bật vóc dáng gợi cảm cùng vòng eo thon thả. New York Times đã gọi ông là “nhà điêu khắc vóc dáng của phái đẹp.”

Alaia được biết đến là người thẳng thắn. Ông chỉ trích các huyền thoại thời trang như Anna Wintour của Vogue về phong cách của bà và nhà thiết kế Karl Lagerfeld, người mà ông nói là “chưa bao giờ cầm đến dao kéo.”

Vào ngày 18 tháng 11 năm 2017, Alaia được thông báo đã qua đời.

Karl Lagerfeld được cho đã tạo nên danh tiếng toàn cầu của Chanel, đồng thời là người đứng sau tầm nhìn sáng tạo mạnh mẽ của Tommy Hilfiger và Fendi.

Karl Lagerfeld tại Tuần lễ thời trang Chanel Paris ngày 3 tháng 7 năm 2012 tại Paris, Pháp. Ảnh: Michel Dufour/WireImage

Lagerfeld được công nhận là một trong những nhà thiết kế thời trang có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Trong suốt cuộc đời, Lagerfeld đã tạo ra những thiết kế thông minh, gợi cảm và hợp thời cho Chanel, Fendi, Chloe, v.v.

Vào ngày 19 tháng 2 năm 2019, có thông báo rằng nhà thiết kế tiêu biểu của làng thời trang đã qua đời tại Paris.

Trong lễ tưởng niệm, Giám đốc điều hành Hội đồng Thời trang Anh Caroline Rush cho biết, “Sự đóng góp không tưởng của ông cho ngành công nghiệp đã thay đổi cách phụ nữ ăn mặc và cảm nhận về thời trang. Ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà thiết kế trẻ và sẽ mãi mãi là như vậy.”

Diane von Furstenberg phát minh ra chiếc váy quấn vào năm 1972 và nổi tiếng với nhãn hiệu thời trang DVF.

Diane von Furstenberg. Ảnh: Dimitrios Kambouris/Getty Images

Diane von Furstenberg được biết đến là một nhà thiết kế đầy tham vọng, người đã bắt đầu một hiện tượng, từng được cho là đã chế tạo hơn 15.000 chiếc váy quấn mỗi tuần.

Von Furstenberg chia sẻ với Tạp chí New York vào năm 1988: “Tôi đã có một sản phẩm rất đơn giản, chiếc váy quấn của tôi thực sự là một bộ đồng phục. Đó chỉ là một chiếc váy cotton giản dị mà ai ai cũng sẽ thích mặc. Kiểu váy đó bán được khoảng ba hoặc bốn triệu chiếc. Mỗi ngày tôi sẽ thấy khoảng 20 đến 30 chiếc váy đó trên phố, được diện bởi đủ loại phụ nữ khác nhau, dù trẻ hay già, béo hay gầy, bình dân hay sang trọng. Đó là một cảm giác rất tuyệt vời.”

Christian Siriano học nghề từ Alexander McQueen và Vivienne Westwood trước khi tham gia và trở thành quán quân Project Runway mùa thứ tư.

Christian Siriano. Ảnh: Miller Mobley/Bravo/NBCU Photo Bank – Getty Images

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi, Siriano bắt đầu hoạt động kinh doanh vào năm 2008. Đến năm 2010, thương hiệu đã kiếm được doanh thu 1,2 triệu USD. Đến năm 2015, con số đó đã tăng lên 5 triệu USD.

Được biết đến với trang phục dạ hội sáng tạo thường xuyên xuất hiện trên thảm đỏ, Siriano đã thiết kế cho Billy Porter, Whoopi Goldberg, Janelle Monae…

Stella McCartney mở lối đi riêng với thương hiệu thời trang cùng tên.

Stella McCartney. Ảnh: Steven Lovekin/Getty Images

Năm 1997, McCartney được thuê để hồi sinh thương hiệu Chloé. Nhà thiết kế người Anh đã tạo ra những thiết kế nữ tính, gợi cảm tinh tế với nét chấm phá lãng mạn đã thu hút các khách hàng nổi tiếng như Madonna, Gwyneth Paltrow và Kate Moss. Sau khi đạt được thành công tại Chloé, McCartney đã nhận được tài trợ từ Gucci để bắt đầu kinh doanh dòng sản phẩm riêng.

McCartney bắt đầu nổi tiếng trong ngành thời trang đồ cưới và đã thiết kế chiếc váy dạ tiệc trắng hai dây tuyệt đẹp của Meghan Markle cho đám cưới của cô với Hoàng tử Harry. Là một người ăn chay, thương hiệu của McCartney cam kết bền vững, chỉ sử dụng lông thú và giả da.

Virgil Abloh đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành thời trang khi đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo trang phục nam giới của Louis Vuitton.

Virgil Abloh. Ảnh: Edward Berthelot/GC

Trước khi đưa hãng thời trang cao cấp Louis Vuitton vào một không gian hiện đại hơn, đậm âm hưởng thời trang streetwear, Abloh đã thành lập thương hiệu thời trang riêng Off-White.

Là một người bạn và cộng tác viên của Kanye West, Abloh nói với Tạp chí W, “Chúng tôi là một thế hệ quan tâm đến thời trang và lẽ ra không được phép như vậy. Chúng tôi coi đây là cơ hội để tham gia và tạo nên văn hóa hiện tại. Theo nhiều cách khác nhau, có vẻ như chúng tôi đang mang lại nhiều hứng khởi hơn trong ngành công nghiệp.”

Rihanna, huyền thoại âm nhạc và là biểu tượng văn hóa đại chúng, bước vào thế giới thời trang năm 2018 với dòng sản phẩm nội y và trang phục ngủ Savage X Fenty.

Rihanna trò chuyện với báo chí ở hậu trường show diễn thời trang Savage x Fenty tháng 9 năm 2018. Ảnh: Diane Bondareff/AP

Dòng sản phẩm này được khen ngợi vì tôn vinh nét đẹp và vượt qua định kiến hình thể thông thường. Sau khi gặt hái được thành công với dòng sản phẩm nội y, Rihanna hợp tác với hãng thời trang LVMH, một trong những công ty thời trang quyền lực nhất nhất thế giới. 

Chuyển ngữ: Long Nguyễn
Theo Insider.com

Post a Comment