Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

NHÀ THIẾT KẾ VŨ VIỆT HÀ: “LÀM SAO ĐỂ LÀM MỚI NHỮNG CHẤT LIỆU XƯA CŨ”

NTK Vũ Việt Hà -“phù thủy” đã thổi hồn vào tà áo dài Việt là cái tên không hề xa lạ đối với những người quan tâm tới giới thời trang mỗi khi nhắc tới những thiết kế truyền thống trong thị trường thời trang đương thời. Được đánh giá cao trong việc gìn giữ, phát huy vẻ đẹp tinh hoa của Việt Nam qua việc sử dụng những hoạ tiết mang tính dân tộc, lịch sử và đậm nét văn hoá trong từng sản phẩm. NTK Vũ Việt Hà là một phong cách ấn tượng của làng áo dài Việt, ngay cả việc sử dụng các chất liệu mới lạ cũng sớm trở thành đặc trưng trong các mẫu áo dài được làm ra từ đôi tay của anh.

Không chỉ kỹ càng trong việc lựa chọn chất liệu, NTK Vũ Việt Hà thường ứng dụng các loại vải được sản xuất từ chính các làng nghề thủ công Việt Nam, góp phần đưa bản sắc văn hoá hoà chung với nhịp sống hiện đại và tôn vinh giá trị của những sản phẩm thủ công. Anh từng chia sẻ: “Với những gì thuộc về làng nghề truyền thống của Việt Nam, nhất là thủ công, tôi luôn đặt nó làm hàng đầu. Tất cả câu chuyện tôi kể ở các BST dù có khác nhau, nhưng đều có một hơi thở chung, đó là truyền thống.” Trong nhiều năm qua, những thiết kế của anh đã nhận được sự yêu thích, công nhận từ khách hàng trong nước và quốc tế, góp phần mang giá trị Việt ra thế giới.

Những tà áo dài của NTK Vũ Việt Hà luôn ưu tiên sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường như tơ sen, tơ chuối, tơ tằm,…. Đây là những chất liệu không còn mới nhưng qua sự “phù phép” của NTK Vũ Việt Hà chúng đã trở nên cao cấp và độc lạ hơn bao giờ hết.

Nhà thiết kế cho biết các miếng thổ cẩm này được anh sưu tầm trong những chuyến công tác ở Sapa, vào sâu trong bản của người Mông đen. Vũ Việt Hà nói: “Chúng là sản phẩm rất quý của người Mông đen nơi đây. Mỗi tác phẩm làm tay nên chỉ có một chiếc duy nhất, giá trị khó có thể đo đếm”.Vũ Việt Hà chọn truyền tải nét văn hóa của người Mông Đen vì nhận thấy trang phục của họ vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng từ xưa tới nay và không bị lai tạp bởi các nguồn nguyên liệu du nhập từ Trung Quốc hay bất cứ sự phát triển nền công nghiệp nào. Đây không phải lần đầu nhà thiết kế đưa thổ cẩm của người Mông đen Sapa vào bộ sưu tập. Anh từng nhiều lần sử dụng chúng trong quãng thời gian gần 20 năm làm nghề.
Nhằm giúp tà áo thêm sống động, bắt mắt, anh và các nghệ nhân áp dụng kỹ thuật đính kết cườm, đá ở đường viền, làm nổi bật tà áo tối đa. Trang phục kết hợp thêm lọng che, đặt trong bối cảnh di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, nên càng gợi sự hoài cổ.
Thông qua bộ sưu tập, Vũ Việt Hà mong muốn phá vỡ góc nhìn cũ về trang phục dân tộc, cũng như phát triển văn hoá truyền thống theo hơi thở của thời đại mới. Anh mong muốn cho khán giả thấy dựa trên nền tảng trang phục dân tộc, có thể phát triển thành trang phục ứng dụng gần gũi và hiện đại.

Vào dịp đầu năm Kỷ Hợi, anh sử dụng vải lanh của người H’Mông để sáng tạo trên các mẫu áo dài.
Sợi lanh trước khi nhuộm chàm đã được bà con dân tộc làm thủ công ở khâu đắp và vẽ sáp ong. Mỗi miếng vải như thể hiện từng câu chuyện cuộc sống của người phụ nữ, gia đình cũng như văn hóa của họ. Theo nhà thiết kế Vũ Việt Hà, mỗi người lại có cách thể hiện rất riêng trên từng tấm vải. Anh chia sẻ để có đủ chất liệu thực hiện bộ sưu tập mới, anh đã đặt riêng vải lanh của bà con, sau đó mang về xử lý theo cách của anh.
Không chỉ chăm chút cho từng họa tiết trên áo, phụ kiện cài tóc của Linh Nga cũng được nhà thiết kế chuẩn bị cầu kỳ. Anh dùng chính những tấm thổ cẩm để tạo kiểu mũ, khăn ấn tượng

Ý tưởng sử dụng tơ chuối lên áo dài được anh và đội ngũ thử nghiệm suốt thời gian Covid. Nhà thiết kế kết hợp với một công ty sợi để cho ra đời loại vải giống tơ tằm sống nhưng đanh, óng và cứng hơn. Công đoạn dệt vải từ tơ chuối tốn thời gian và sức lực, bởi việc kéo sợi từ thân chuối đòi hỏi sự khéo léo, bởi sợi không đều, giòn, dễ gãy và khó nối. Nhưng Vũ Việt Hà cho biết chính điểm yếu này lại giúp cho vải tơ chuối có bề mặt lạ và hấp dẫn.
Ban đầu, những người thợ sơ chế các thân cây chuối đã bỏ đi, bằng cách bóc tách vỏ chuối, làm sạch, phơi khô dưới nắng và nấu sôi. Sau khi kéo được những mét tơ chuối đầu tiên, các nghệ nhân bắt đầu nhuộm và dệt bằng khung dệt thủ công với khổ nhỏ. Một chiếc áo dài bằng tơ chuối tốn vải gấp bốn lần so với áo thông thường.

Trong BST Áo Dài “Bình Minh” của mình tại Nhật Bản, NTK Vũ Việt Hà đã tìm kiếm chất liệu mới cho BST này tai các nông trường trồng dứa trong nước từ nhiều tháng trước đó.
Với khoảng 480 lá dứa, người thợ có thể cho ra đời một tấm vải rộng 10m2. Sau khi thu hoạch trái, lá được tách thành từng bó theo chiều dọc, sau đó tới công đoạn tách xơ bằng cách ép qua con lăn. Các xơ thu được đem rửa sạch, phơi khô dưới nắng rồi chuyển tới công đoạn kéo sợi. Để tạo ra những thước vải tự nhiên và độc đáo, Vũ Việt Hà dệt sợi dứa cùng sợi tơ tằm, sau đó nhuộm màu thủ công.


Các thiết kế cách điệu ở phần ống tay loe, tạo nên diện mạo trẻ trung và phóng khoáng. Họa tiết hoa lá, chim chóc thêu tay kỳ công càng nổi bật hơn nhờ dát vàng. Một số mẫu áo gây ấn tượng mạnh nhờ kỹ thuật lọng tỉ mỉ, kết hợp những mảng miếng thổ cẩm nguyên bản Vũ Việt Hà sưu tầm trong những chuyến đi lên vùng cao.

Xuất phát từ chuyến đi thực tế về làng Phùng Xá, Hà Tây, NTK Vũ Việt Hà đã “ăn không ngon ngủ không yên” khi lần đầu tiên được tiếp cận với sợi tơ sen. Đây là chất liệu lạ, công phu với ưu điểm co giãn, bề mặt ganh vải mộc mạc, đặc biệt mùi thơm ngát đem lại cảm giác như đang cạnh hồ sen.

NTK cho hay, để có được một mét vải tơ sen, phải se sợi từ hơn 11,000 cây sen và hàng trăm công thợ. Các sản phẩm thực tế từ chất liệu này mới chỉ dừng lại ở sản phẩm khăn quàng bởi giá thành cao vì sản xuất ra chất liệu này mất nhiều công sức .

“Chuyến đi thực sự làm tôi trăn trở và bứt dứt, thôi thúc tôi phải bắt tay làm ngay sản phẩm thật xứng tầm với giá trị thực. 3 tháng sau khi chuyến đi cùng nhiều đêm không ngủ, tôi đã thiết kế bộ sưu tập áo dài với phom áo cổ thập niên 30 kết hợp chất liệu tơ sen lấy tơ tằm xuyên thấu và sợi bố làm nền”, NTK cho biết. Những họa tiết thêu đậm chất phương Đông là điểm nổi bật trong bộ sưu tập lần này của NTK Vũ Việt Hà.

GIỚI THIỆU VỀ FACE – THE FASHION DESIGN ACADEMY

Thành lập từ năm 2011, FACE – The Fashion Design Academy – không gian giảng dạy kỹ thuật và kiến thức thời trang từ các chuyên gia trong và ngoài nước, với các khóa học Thiết kế thời trang dài hạn, ngắn hạn và workshop. Thông tin về lịch khai giảng: https://facefashiondesignacademy.com/lich-khai-giang/
Post a Comment