Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Fashion Talk: #Define Your Signature – Không có đường tắt để tìm đến dấu ấn cá nhân trong thiết kế thời trang

Những năm gần đây, thời trang Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu thời trang bản địa xuất hiện trên thị trường hơn và cũng nhiều thương hiệu bắt đầu được thế giới nhìn nhận hơn tại các sàn diễn quốc tế. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh trong ngành thời trang ngày một khốc liệt.

Cái “Tôi” trong sáng tạo, hay cụ thể hơn là trong thiết kế thời trang là một câu hỏi lớn của mỗi người. Với các sinh viên thời trang, những người đang theo đuổi con đường thiết kế thời trang chuyên nghiệp thì vấn đề cái tôi, hay dấu ấn cá nhân lại càng quan trọng hơn. Chính cái tôi của nhà thiết kế quyết định điều làm nên sự khác biệt trong sản phẩm, giúp tên tuổi của bạn nổi bật giữa muôn vàn những thương hiệu thời trang khác.

Buổi trò chuyện thời trang với chủ đề “Xây dựng dấu ấn cá nhân trong thiết kế thời trang” với sự tham dự của khách mời là chị Ojo Võ – giảng viên môn Fashion Creative, Research & Development, đồng thời hiện là Project Leader của Uniqlo Canada, đã diễn ra vào tối 10.04 tại Toong coworking space Tràng Thi, Hà Nội với rất nhiều câu hỏi đặt ra cho diễn giả, và đúng như kỳ vọng của F.A.C.E khi tổ chức chương trình, nó không chỉ đơn giản là buổi chia sẻ một chiều từ phía diễn giả, mà còn là cơ hội để những người tham gia có cơ hội đặt câu hỏi, phản biện và chia sẻ câu chuyện của chính mình – đó là đam mê dành cho thời trang.

Cái “Tôi” hình thành qua trải nghiệm

Như diễn giả của chúng tôi có chia sẻ, “cái Tôi không phải điều mà bạn có thể tìm ra trong một sớm một chiều, cũng không phải là một con đường thẳng tắp mà chúng ta có thể đi một lèo đến đích”. Cái tôi được tạo nên trong quá trình trải nghiệm. Đó là sự khám phá bản thân, sở thích cá nhân, phong cách thời trang ưa chuộng, sự ảnh hưởng từ những tên tuổi vĩ đại trong lịch sử thời trang, trường phái nghệ thuật những nguồn cảm hứng thường xuyên thôi thúc bạn nảy ra ý tưởng trong quá trình thiết kế.

Cái tôi được tạo nên trong quá trình trải nghiệm.

Một nhà thiết kế phải thử nghiệm rất nhiều lần, trải qua nhiều thất bại mới nhận ra đâu là con đường chân chính mà mình phải đi. Kỳ thực, chính những vòng vèo, va vấp trong quá trình trải nghiệm mới là thứ giúp ta hiểu rõ chính mình, thế mạnh của bản thân và thu nạp kiến thức một cách chắc chắn. Mà tất cả những điều này đều hết sức riêng tư và không thể trùng lặp. Do vậy bước đầu tiên của việc xây dựng cái tôi trong thiết kế là phải hiểu rõ thế giới bên trong của chính mình.

Biểu hiện của cái “Tôi” trong thiết kế thời trang

Một khi đã xác định được cái “Tôi” cá nhân thì việc đưa vào thiết kế không quá khó khăn hay phức tạp. Điều quan trọng là ta tìm ra được một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình sáng tạo của mình. Có những nhà thiết kế suốt đời chỉ ám ảnh bởi một số nguồn cảm hứng, xoay quanh một số chủ đề nhất định.

Có những nhà thiết kế theo đuổi một kỹ thuật cắt may độc đáo, đem lại sự giải phóng cho cơ thể khi khoác lên bộ trang phục như Madelein Vionnet. Lại có những nhà thiết kế đi theo con đường sáng tạo đậm tính nghệ thuật, thời trang tiên phong mà không phải ai cũng cảm nhận được như Rei Kawakubo. Cũng không thiếu những nhà thiết kế chọn một loại chất liệu nhất định để dựa theo đó mà phát triển các thiết kế của mình như Chanel và vải tweed.

Để khẳng định cái Tôi trong thiết kế một cách mạnh mẽ, ngoài việc hiểu rõ thế mạnh của bản thân thì không thể thiếu sự đào sâu nghiên cứu. Chỉ có cách nghiên cứu thật chi tiết, phát triển những ý tưởng, những điều mà bạn tâm đắc theo năm tháng thì thiết kế của bạn mới ngày càng có giá trị.

Thời trang hiện đại không tránh khỏi ảnh hưởng từ các xu hướng tuần hoàn và sự phát triển của xã hội. Do vậy, chỉ có những thiết kế được xây dựng từ sự nghiên cứu và chắt lọc kỹ lưỡng, được công chúng ghi nhận mới có thể tránh được những yếu tố bên ngoài như xu hướng hay xã hội lấn át đi cái Tôi, cũng không dễ để các thương hiệu ra đời sau “ăn cắp” hay đạo nhái một cách trắng trợn.

Dung hoà giữa cái Tôi và tính ứng dụng

Trong buổi trò chuyện của F.A.C.E Fashion workshop, câu hỏi xoay quanh việc dung hoà giữa cái Tôi của nhà thiết kế, tính nghệ thuật, sự sáng tạo và khả năng ứng dụng được đặt ra nhiều lần.

Nếu ví thời trang như một cỗ máy thì tốc độ vận động của nó ngày càng nhanh hơn, thời gian cho ra đời một sản phẩm ngày càng ngắn hơn và áp lực sáng tạo đặt lên các NTK ngày càng nặng nề. “Bạn không có thời gian để ấp ủ ý tưởng, và giai đoạn ấp ủ ý tưởng là rất quan trọng!” NTK Raf Simons từng chia sẻ. Với tốc độ ra mắt sản phẩm tính theo tháng, theo tuần như hiện nay, thì nói không ngoa khi cho rằng chính thời trang nhanh đang bòn rút và kiềm hãm sự sáng tạo. Vậy thì có công thức nào để khai thác tính sáng tạo trong những thiết kế có tính ứng dụng cao, phù hợp với đại chúng mà lại vẫn giữ nguyên dấu ấn của người thiết kế?

Trong nền sáng tạo công nghiệp tất cả các sáng tạo đều dựa theo nền tảng căn bản, sáng tạo là tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề…

Chị Ojo Võ chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, trong nền sáng tạo công nghiệp tất cả các sáng tạo đều dựa theo nền tảng căn bản, sáng tạo là tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề, chẳng hạn như tạo ra những đường cắt mới trên trang phục, các chất liệu mới các gam màu, hay các họa tiết hoa văn mới để thể hiện bản thân hoặc giải quyết một vấn đề về nền công nghiệp thời trang đang gặp phải ( hoá chất, chất thải trong thời trang…) Sự đơn giản và tinh tế là điều sáng tạo nhất và khó nhất mà chúng ta có thể áp dụng trong thời trang công nghiệp.”

Sự đơn giản và tinh tế là điều sáng tạo nhất và khó nhất mà chúng ta có thể áp dụng trong thời trang công nghiệp.

Thiết kế cho đám đông hay cho thiểu số?

Cũng có người hỏi diễn giả của chúng tôi rằng, liệu một thiết kế nên tinh gọn để tất cả mọi người đều mặc được, hay nên khác biệt một chút, nghệ thuật một chút để hướng đến một nhóm đối tượng nào đó mà thôi? Vấn đề thiết kế cho đám đông hay cho một nhóm người nhất định hoàn toàn là lựa chọn và phương hướng của mỗi một nhà thiết kế.

Nếu thời trang ứng dụng với tập khách hàng lớn là lựa chọn của bạn, thì chuyện tiết chế cái tôi lại cho phù hợp với số đông là điều tất yếu. Khi đó, sự chắt lọc những chi tiết sáng tạo cần gắt gao và tinh tuyển hơn. Như đã nói, sự sáng tạo đơn giản mà tinh tế là thứ khó nhất.

Sự bùng nổ của fast fashion trong những năm gần đây khiến cho chúng ta nhầm tưởng rằng thiết kế cho đại chúng với sự hỗ trợ của sản xuất công nghiệp là con đường duy nhất đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần yếu đi tại châu Âu và sẽ không còn thực sự thịnh hành trên toàn cầu trong một vài năm tới khi mà eco fashion, sustainable fashion – thời trang xanh và thời trang bền vững là những giải pháp thiết thực với cuộc sống của con người.

Eco fashion, sustainable fashion – thời trang xanh và thời trang bền vững là những giải pháp thiết thực với cuộc sống của con người.

Nhìn lại lịch sử thời trang, những thương hiệu cao cấp nhất, lớn mạnh nhất đều có một phong cách nhất định, một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể. Giá trị sản phẩm được nâng lên theo thời gian bởi thời trang không chỉ là câu chuyện về may mặc, mà còn đem đến những giá trị tinh thần, nghệ thuật thủ công, sự tỉ mỉ trau chuốt đến mức hà khắc trong từng chi tiết của sản phẩm.

Vậy nên, nếu là một người có cái Tôi mạnh mẽ, sức sáng tạo vô hạn và tin rằng tính nghệ thuật của bạn có thể thuyết phục được một nhóm khách hàng trung thành, thì tại sao lại không thử đi theo con đường này?

Lời kết

Đến với buổi trò chuyện về thời trang của F.A.C.E Fashion workshop tại Hà Nội, chắc hẳn nhiều người đã có cho mình câu trả lời về cái Tôi, sự sáng tạo hay thậm chí là có nhiều câu hỏi mới mở ra để tự mình nghiền ngẫm. Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn là đã tạo ra một không gian để chia sẻ câu chuyện về hành trình thiết kế thời trang, không chỉ từ phía diễn giả mà còn đến từ những vị khán giả đăng ký tham dự, những người đang thực sự hoạt động không mệt mỏi trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này.

Những chia sẻ chân thật, đầy tâm huyết về con đường mình đã đi của các bạn là điều khiến chúng tôi tự nhủ rằng F.A.C.E nhất định sẽ đem đến nhiều sự kiện hơn để bất cứ ai đang băn khoăn về việc theo đuổi sự nghiệp thiết kế thời trang có thể tìm thấy đáp án cho mình.

Xin chân thành cảm ơn sự có mặt của bạn trong sự kiện của F.A.C.E!

Thông tin sự kiện:

Thời gian: 19g00 ngày 10/04/2019
Địa điểm: Toong co-working space, 8 Tràng Thi, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thông tin diễn giả – Ms. Ojo Võ:

* Project Leader tại Uniqlo
* Design interior – Lifestyle & Trends tại Abercrombie & Fitch
* Network Operations Project Manager/ South Asian tại TR Cutting School.
* Giải thưởng New Designer – Vietnam Collection Grand Prix 2009
* Quán quân Triumph Inspiration Contest 2011 tại Việt Nam.
* Quán quân Hutech Designer.

 

Date