Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

6 Chất liệu may mặc được làm từ rau củ quả

Ngành công nghiệp thời trang và công nghiệp thực phẩm đã hình thành nên một mối tương quan đáng ngạc nhiên khi hướng đến thời trang bền vững, từ vải lụa dệt từ vỏ cam đến cúc áo nhựa làm từ khoai tây. Cây bút thời trang Francine Heath đã thực hiện một vài viết về những chất liệu sáng tạo nhất trên thị trường hiện nay – được làm từ trái cây và sợi thực vật.

“Thời trang là một phần thiết yếu trong cuộc sống, chúng thay đổi liên tục và xoay vòng theo các sự kiện”, trích một bình luận dưới góc nhìn sắc sảo của Diana Vreeland vào cuối những năm 70, lời nói của bà vẫn chính xác cho tới ngày nay. “Bạn có thể thấy một cuộc cách mạng về quần áo sắp sửa diễn ra.” Cựu biên tập viên của Vogue đã nhận xét rằng phong cách thời trang, không giống như đồ ăn sẵn có thể mua ở bất cứ đâu, nhưng có lẽ chính cô cũng không rõ ngành công nghiệp thực phẩm và thời trang sẽ hợp tác cùng nhau như thế nào trong chính cuộc cách mạng đó.

Cho dù là tái sử dụng chất thải thực phẩm hay chỉ đơn giản là khai thác DNA của thực vật để tạo ra sợi mới sáng tạo, các doanh nghiệp đang chứng minh trái cây và rau quả sẽ đóng một vai trò quan trọng trong ngành chất liệu may mặc trong tương lai. Từ sự thay thế cho nguyên liệu tổng hợp gốc dầu và thay cho lụa và da, 6 chất liệu dưới đây cho ta thấy thực phẩm có thể làm những gì để giúp ngành trang phát triển một cách bền vững hơn.

Từ lâu, chúng ta đã nghe câu ‘bạn là những gì bạn ăn’ khi nhắc đến các vấn đề liên quan đến công nghiệp thực phẩm, vậy đối với ngành công nghiệp thời trang thì sao, không phải ta nên mặc luôn những gì ăn được đấy chứ?

Bananatex®

Bananatex® là thành quả hợp tác giữa 3 đối tác, một là thương hiệu ba lô Thụy Sĩ QWSTION, hai là chuyên gia về sợi người Đài Loan và đối tác còn lại là một công ty dệt cũng có trụ sở tại Đài Loan. Sự hợp tác của họ đến từ mong muốn thách thức mọi quy chuẩn và cả ba đều muốn tạo ra sự khác biệt, họ đã dành ba năm để nghiên cứu và phát triển ra một loại vải siêu bền, không thấm nước đầu tiên trên thế giới; được làm hoàn toàn từ giống chuối Abacá – thân cây sẽ tái sinh trong vòng một năm sau khi được thu hoạch. Các loại cây này được trồng hữu cơ tại các đảo ở Philippines mà không cần được chăm bón bằng các hoá chất.

QWSTION được thành lập vào năm 2008 khi 5 người đồng sáng lập nhận ra rằng họ có chung niềm đam mê với việc làm nên các loại phụ kiện mang tính ứng dụng cao, sử dụng hàng ngày và đến nơi công sở. Thương hiệu cho biết: “Tự phát triển ra các chất liệu của chính chúng tôi là chìa khóa để tăng tính bền vững,” thương hiệu giải thích rằng phần lớn việc sản xuất hàng dệt may đều sẽ liên quan đến nhựa, điều này gây ảnh hưởng đến thiên nhiên và con người.

Nhưng không có vấn đề nào là không thể giải quyết được. Bananatex® không thấm nước nhờ lớp phủ sáp ong tự nhiên và đã qua xử lý, không chứa PFC, trong khi da kéo zip được thuộc da thực vật để đảm bảo chúng mềm đẹp và sẫm màu. Tại studio Zürich, mỗi mẫu túi đều được xem xét kĩ càng và vải dư sẽ được loại bỏ sau khi cắt các chất liệu, và cho tới khi những chiếc túi đi đến cuối vòng đời, chúng sẽ tự biến mất không dấu vết vì túi có thể phân hủy sinh học và các thành phần của túi đều có thể tái chế.

Piñatex®



Trở lại năm 2017, nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của Eco-Age, Livia Firth đã bước ra trên tấm thảm dài 150 foot mang tính biểu tượng của Met Gala với chiếc đầm dạ hội được đặt may riêng từ Piñatex®, đây là một sản phẩm thay thế cho da động vật. Vào thời điểm đó, Vogue đưa tin rằng chiếc váy màu bạc và trắng được thiết kế bởi Laura Strambi sẽ trở thành tâm điểm thú vị cho “cuộc trò chuyện trong bữa ăn tối.”

Piñatex được phát triển bởi Tiến sĩ Carmen Hijosa, người đã bị sốc bởi các tác động tiêu cực lên môi trường đến từ việc sản xuất da hàng loạt và thuộc da bằng hóa chất. Biết rằng việc sản xuất và xử lý các chất thay thế cho nhựa PVC không phải là giải pháp vì các chất này thường độc hại cho hệ sinh thái, Dr Hijosa đã tập trung vào một loại nguyên liệu giả da khác khá đặc biệt: dứa. Thường được gọi là ‘da dứa’, vật liệu sáng tạo này được làm từ lá của quả dứa. Vì dứa là sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp hiện nay, việc tiêu thụ chúng cho mục đích thời trang sẽ đem lại một nguồn thu nhập bổ sung cho các cộng đồng nông dân khó khăn ở Philippines. Quy trình sản xuất da từ dứa không bao gồm các chất độc hại bị cấm trong danh sách Cradle to Cradle và đây cũng là một quy trình khép kín vì các chất còn lại sẽ được sử dụng như nguồn phân bón tự nhiên.

Có một số biến thể của loại vải dệt, cũng như những hướng phát triển mới cho các phiên bản vải vóc được nhuộm tự nhiên 100% không cần đến lớp phủ nhân tạo mà các loại vải trước đó đã sử dụng. Lượt tìm kiếm nhanh về #MadeFromPiñatex cho thấy dòng sản phẩm từ dứa này đã được sử dụng bởi một loạt các thương hiệu thời trang, bao gồm Artesano và TAIKKA, chất liệu từ dứa này cũng đã góp mặt trong thế giới hàng nội thất thiết kế. Tamasine Osher Design đã tạo ra những chiếc ghế ‘Người nhện’ góc cạnh bằng cách sử dụng vải để bọc ghế.

Mylo ™



“Chúng tôi tin rằng câu trả lời cho những vấn đề khó nhằn nhất của chúng tôi đang ẩn nấp đâu đó ngoài tự nhiên,” trích một phát biểu của Bolt Threads – công ty có trụ sở tại California được thành lập bởi một nhà kỹ thuật sinh học, một nhà lý sinh và một nhà hóa sinh. Chín năm sau khi bộ ba chuyên gia hợp lực để phát triển các vật liệu bền vững hơn, Mylo ™ ra đời.

Mylo ™ có một khởi đầu từ Mycelium, và Mycelium là tế bào cấu thành nên cây nấm. Khi được khai thác một cách kĩ thuật, chất này có thể được sử dụng để tạo ra mọi thứ, từ bít tết làm từ thực vật đến vật liệu dệt may – đây chính là câu trả lời mà họ tìm kiếm. Đội ngũ của Bolt Threads phát triển các tế bào trên các luống chất thải nông nghiệp và các sản phẩm phụ trước khi mạng lưới tế bào 3D này được nén lại. Sau cùng chất liệu được thuộc và nhuộm để tạo ra thành phẩm Mylo ™. Vật liệu được tạo ra trông giống với da thật nhờ các kĩ thuật tiên tiến trong phòng thí nghiệm mà không có động vật nào bị làm hại trong quá trình này. So với các loại da thay thế như ‘pleather’ được hình thành từ polyurethane, da làm từ tế bào nấm mang lại cảm giác dẻo dai hơn và chúng có thể phân hủy sinh học.

Đáng chú ý hơn nữa, Bolt Threads đã hợp tác với Stella McCartney để tạo ra một mẫu túi mang nét đặc trưng của nhà thiết kế người Anh tiên phong Falabella, các tác phẩm được tạo ra từ Mylo ™. Các thiết kế được ra mắt tại Bảo tàng Victoria & Albert London như một hiện thân tiêu biểu cho thời trang đến từ Bảo tàng Nature. Từ đó, hai bên đã tiếp tục hợp tác với nhau trong những dự án sắp tới.

Orange Fiber



Orange Fiber là một thương hiệu sản xuất vải độc quyền với nguồn nguyên liệu là hàng trăm nghìn tấn vỏ họ cam quýt – thường được gọi là ‘pastazzo’ và trước đây chúng chỉ để bỏ đi. Thương hiệu cho biết: “Chất liệu vải của chúng tôi được tạo ra từ sợi xenlulo, tương tự như tơ tằm và có thể kết hợp với các chất liệu khác”, ngay cả khi ở thể tinh khiết nhất, sợi vải vẫn mang lại cảm giác mềm mại, thường rũ xuống. Đặc biệt hơn nữa sợi nhân tạo này có thể được tinh chỉnh để trông mờ đục hoặc sáng bóng, tùy thuộc vào yêu cầu sản xuất.

Orange Fiber được thành lập vào năm 2014 bởi Adriana Santanocito và Enrica Arena, những người đã trình bày các sản phẩm mẫu ban đầu tại Vogue Fashion Night Out ở Milan trong cùng năm. Cuối năm 2017, nhà mốt sang trọng của Ý, Salvatore Ferragamo đã trở thành ông lớn trong ngành thời trang đầu tiên sử dụng sợi vải Orange Fabric trong các bộ sưu tập của họ, đây là một động thái nhằm tôn vinh tinh thần đổi mới mang tính trách nhiệm của cựu sáng lập thương hiệu Salvatore Ferragamo. Sự kết hợp này được ra mắt trùng với lần thứ 47 của Ngày Trái đất và người mẫu Karolina Kurkova đã tham gia chương trình #GreenCarpetChallenge trong một chiếc váy hoa dệt bằng vải Orange Fiber trên thảm GCFA.

Tương tự như vật liệu giả da, các lựa chọn thay thế cho vải lụa đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt khi nhận thức rõ ràng về tác động của môi trường khi tạo nên lụa từ tơ tằm. Sự thay thế theo hướng tích cực này cho thấy các doanh nghiệp này đang tạo ra một loại lụa đẹp và mang tính nhân đạo hơn.

Vegea



Cùng với chuyên gia hóa học môi trường Francesco Merlino, kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế nội thất Gianpiero Tessitore đã thành lập Vegea với mục tiêu phát triển một giải pháp thay thế da động vật và thân thiện với môi trường hơn. Sau nhiều năm nghiên cứu các đặc điểm khác nhau của sợi thực vật, họ phát hiện ra rằng vỏ, hạt và cuống nho bị loại bỏ trong quá trình sản xuất rượu vang có thể được dự trữ để sử dụng sản xuất ra da thực vật.

Còn được gọi là ‘da rượu vang’ hoặc ‘da nho’, việc sản xuất ra loại da hữu cơ này không gây lãng phí nước và chỉ sử dụng những nguyên liệu sẵn có; quy trình này sử dụng máy móc thay thế cho quy trình đốt cháy trong quá khứ, loại bỏ lượng carbon thải ra môi trường. Công ty giải thích: “Bằng cách tận dụng việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo thay thế cho các tài nguyên hóa thạch không thể tái tạo, các quy trình sản xuất của chúng tôi dựa trên việc khai thác sinh khối và nguyên liệu thực vật”.

Chất liệu này đã được nhà thiết kế thời trang người Ý, người đoạt Giải thưởng Green Carpet Fashion 2017, Tiziano Guardini sử dụng để tạo ra bộ váy dạ hội màu tím đậm nằm bộ sưu tập đầu tiên của anh, và đây cũng chính là bộ sưu tập đã giành được Giải thưởng Global Change trong cùng năm. Với 26 tỷ lít rượu vang được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm, ta có thể thấy được tiềm năng khởi sắc trong quá trình chuyển hoá lượng chất thải từ ngành công nghiệp rượu vang thành chất liệu may mặc.

Parblex™



Trước kia, mỗi khi có ai đó đề cập đến “thời trang thân thiện với môi trường”, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh những bộ đồ làm từ bao bố đựng khoai tây. Thật may mắn vì chúng ta sẽ không gặp phải viễn cảnh này nữa, tuy là thế Chip[s] Board® lại đang thực sự phát triển các vật liệu cải tiến sử dụng chất thải từ khoai tây. Thử nghiệm đã chỉ ra rằng nhựa sinh học có thể tái chế và phân hủy sinh học, và quá trình này không liên quan đến việc sử dụng nhựa hoặc hóa chất độc hại có nguồn gốc từ dầu.

UK Studio, được đồng sáng lập bởi hai sinh viên tốt nghiệp Trường Kingston School of Arts là Rowan Minkley và Rob Nicoll, đã tham gia triển lãm Second Yield tại London Design Fair vào năm 2019 nơi giới thiệu một số chất liệu dệt may sinh học suất sắc nhất. Studio này cũng đã làm việc với các thương hiệu chuyên về mắt kính thời trang và hiện đại như Cubitts. Bề mặt bóng và loáng của Parblex™ cũng thích hợp để làm các nút nhựa hoặc dùng để thay thế các loại dây buộc làm từ nhựa thường được sử dụng trong thời trang.

Chuyển ngữ: Hoàng Vũ Anh Thư

Nguồn: https://eco-age.com/magazine/sustainable-fabrics-made-from-fruits-and-vegetables/

Post a Comment