Khám phá nguyên tắc thiết kế thời trang
Những nguyên tắc thiết kế thời trang không phải lúc nào cũng được giảng dạy, thảo luận sâu sát hay được sử dụng một cách có ý thức, nhưng chúng vẫn tồn tại, vẫn đóng vai trò quan trọng trong công cụ thẩm mỹ giúp các nhà thiết kế có thể điều chỉnh trọng tâm và hiệu ứng của mỗi bộ trang phục. Hiểu rõ nguyên tắc thiết kế sẽ giúp bạn nhìn nhận thiết kế một cách khách quan, hiểu được vì sao một thiết kế có thể được sử dụng, đặc biệt hơn là truyền tải đầy đủ thông điệp mà nhà thiết kế gửi gắm.
Lặp lại (Repetition) là việc sử dụng các yếu tố thiết kế, chi tiết hoặc trang trí nhiều hơn một lần làm điểm nhấn. Một điểm nhấn có thể được lặp lại thường xuyên hoặc không thường xuyên, có tác dụng thống nhất tổng thể thiết kế. Sự lặp lại có thể là một phần của cấu trúc trang phục, chẳng hạn như các nếp gấp hoặc thân váy, hoặc một đặc điểm của vải như vải sọc, có họa tiết lặp lại hoặc cùng kiểu trang trí.
Nhịp điệu (Rhythm) Giống như trong âm nhạc, nhịp điệu có thể tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ, dù đến từ sự lặp lại của các điểm nhấn thông thường hay từ các họa tiết trên vải in. Nhịp điệu giúp các yếu tố mỹ thuật liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên tính đồng bộ trong tổng thể bộ trang phục.
Phân chia (Graduation) Đây là một kiểu lặp lại phức tạp hơn trong đó các đặc điểm của trang phục được thực hiện bằng cách tăng – giảm kích cỡ hoặc số lượng. Ví dụ, chất liệu sequins trên váy dạ hội có thể được đính nhiều ở viền nhưng sẽ giảm dần ở phần thân trên của bộ trang phục. Vì mắt sẽ tập trung đến các thay đổi khác nhau trên tổng thể thiết kế, nguyên lý phân chia có thể được áp dụng để thu hút sự chú ý hoặc ngụy trang các đặc điểm cơ thể.
Bức xạ (Radiation) là sử dụng các đường thiết kế phát ra từ một điểm trọng yếu. Váy xếp ly tia mặt trời là một ví dụ điển hình cho nguyên lý này, nhưng có thể được triển khai một cách tinh tế hơn trong các trang phục có xếp nếp.
Tương phản (Contrast) là một trong những nguyên tắc thiết kế hữu ích nhất, giúp mắt đánh giá lại tầm quan trọng của vùng tiêu điểm này so với vùng tiêu điểm khác. Phương pháp này có tác dụng làm giảm sự đơn điệu của một thiết kế liền thân, chẳng hạn như chiếc thắt lưng nổi bật làm điểm nhấn của váy. Sự tương phản có thể đến từ màu sắc, vị trí, chất liệu cũng như công dụng tạo ra trên tổng thể trang phục. Chính vì thế phải cần sự chú tâm để thể hiện sự tương phản một cách tinh tế, không gây tác dụng ngược đối với mắt nhìn.
Sự hài hòa (Harmony) không hoàn toàn đối lập với tương phản vì cũng có một số điểm tương đồng như màu sắc không đối nghịch, các loại vải kết hợp ưng ý. Các loại vải mềm và phom dáng tròn tạo nên thiết kế hài hòa hơn là các loại quần áo cắt may sắc sảo hoặc quá vừa vặn. Thời trang Ý nổi tiếng với việc sử dụng hài hòa các loại vải mềm mại và màu sắc được pha trộn với những đường may nhẹ nhàng không gò bó. Một bộ sưu tập hài hòa sẽ dễ dàng được lòng người mua sắm vì khả năng phối và kết hợp linh hoạt mà không cần sự tư vấn của nhân viên bán hàng.