
Bài học từ Nhà dựng mẫu Ngô Kim Khôi: người có 30 năm kinh nghiệm dựng mẫu haute couture tại Paris
Sang Pháp vào năm 25 tuổi, “định mệnh” đã đưa anh Ngô Kim-Khôi đến với nghề thời trang tại đất Paris, với những thương hiệu danh vọng lộng lẫy như Hermès, Christian Dior, Yves Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer…
Trong những năm tháng làm nghề, dựa vào đôi tay tài hoa, anh từng dựng mẫu áo cưới của minh tinh Nicole Kidman, áo choàng cho danh ca Madonna trong chuyến lưu diễn châu Âu và những người nổi tiếng thế giới như Catherine Deneuve, Charlotte Gainsbourg, nữ hoàng Soraya d’Iran (được mệnh danh “nàng công chúa mắt buồn”), phu nhân tổng thống Pompidou…
Cung cách khiêm tốn và đức tính giản dị, anh đã chia sẻ cùng các bạn sinh viên những điều quý báu mà mình đã đúc kết ra được. FACE – The Fashion Design Academy xin chuyển tải 5 bài học từ anh đến các học viên.
Trau dồi giá trị năng lực

Chia sẻ cùng tờ Style-Republik, anh đã kể về điều giúp anh có thể bước chân vào thế giới haute couture phù hoa như sau:
“Hồi còn ở Việt Nam, tôi được người em dạy chút nghề may nhưng chỉ dùng máy may bàn đạp. Bước chân vào nghề, rụt rè bỡ ngỡ…, tôi xoay xở một mình, loay hoay với chiếc máy may công nghiệp, vốn liếng duy nhất là chút hiểu biết ít ỏi và tính ham mê nghệ thuật từ nhỏ. Tuy không tin vào số phận nhưng tôi nghĩ là công việc thời trang đã chọn lựa tôi, và “định mệnh” đưa tôi đến với nghề thời trang tại đất Paris, với những thương hiệu danh vọng lộng lẫy.
Một ngày nọ, nhà thời trang Hermès tuyển người dựng mẫu và tôi liều lĩnh tham gia, thuộc 5 người đến ứng tuyển. Họ đưa mỗi người một xấp vải đã cắt sẵn và mẫu vẽ, phải dựng lên bộ áo cho đúng như mẫu một cách trung thực và nghệ thuật nhất. Đó là áo veste phụ nữ có cổ áo bằng nhung và lót áo bằng chiếc khăn vuông lừng danh của nhà Hermès. Cuối cùng, tôi là người duy nhất được chọn.
Kết quả của 5 người có thể nói không hơn kém bao nhiêu, nhưng có lẽ tôi là người biết hát, biết vẽ, tâm tình của mình gửi gắm vào tấm áo khác với những người học từ trường chuyên môn. Đó là ngày tôi chính thức mở cánh cửa bước vào thế giới thời trang haute couture Paris.”
Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng “Người Pháp họ không đặt nặng vấn đề bằng cấp, nhất là với ngành nghề mà họ có thể đánh giá qua sản phẩm mình tạo ra.” Đó cũng là điều mà FACE luôn muốn nhắn nhủ đến các học viên. Hãy chú tâm vào sản phẩm và trình bày nó trước nhà tuyển dụng, điều này sẽ giúp bạn được chú ý nhiều hơn.
Đừng làm việc máy móc, hãy gửi gắm cả “tâm tình” trong từng tác phẩm

Nhìn lại mình trong thế giới haute couture, có vài nỗi niềm tôi xin bộc bạch: Những gì tôi có được trong đó là khi thực hiện một mẫu áo, tôi trao cả tâm tình như khi vẽ một bức tranh, đó là niềm vui và là niềm đam mê của người yêu thích nghệ thuật. Tôi biết mình không được học nhiều, không tốt nghiệp trường chuyên môn nào cả, tất cả đều do tự học, phần lớn kiến thức có được đều phát xuất từ lòng yêu thích nghệ thuật và niềm khao khát học hỏi. Mảnh đất đầy phù sa Paris đã cho phép tôi tự học hỏi, tìm hiểu, khám phá rất nhiều thứ, bằng cách đi xem bảo tàng, dự triển lãm, tìm đọc trong sách tất cả những gì mình muốn mà không có gì cấm cản, giới hạn… Tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, mình phải gửi trọn tấm lòng, con tim, những gì mình tạo ra sẽ đẹp hơn. Đối với văn sĩ, văn là người, đối với tôi, “áo là người”, vì nó phản ảnh được chính mình.
Tinh thần tự học rất quan trọng

“Cuộc đời tôi chủ yếu là tự học. Từ những thiếu thốn buộc tôi phải cố gắng. Nếu định mệnh đưa đẩy vào con đường đó, thay vì than thở tôi phải làm sao để con đường đi của mình được nở hoa. Tôi đi làm và vẫn dõi theo đam mê của mình là nghiên cứu hội họa. Song song với công việc thời trang, tôi nghiên cứu tài liệu và viết bài, nhờ vậy cuộc sống cũng không nhàm chán và bớt nhiều tiếc nuối. Tôi chỉ tiếc một điều là không được đi học một cách chính quy, nhưng suy đi nghĩ lại điều đó cũng không tệ.” – Anh Ngô Kim Khôi cho biết.