Giá trị nghệ thuật của thời trang: Vẻ đẹp của sự vô dụng
Thời trang không hề có tính ứng dụng – liệu đây có phải là sự đối kháng của thời trang nhanh?
Cây bút thời trang Isabel Sebode, đã bình luận về khái niệm “Thời trang không hề có tính ứng dụng”, nêu lên vẻ đẹp lẫn sự lập dị và sự tồn tại không hợp lý của nó thông qua một bài viết Fashion as art – the beauty of uselessness trên tờ Varsity (Anh). Style-Republik mang đến bài viết này để độc giả hiểu hơn về một khía cạnh khác của thời trang, vì sao tồn tại những mẫu thiết kế không hề có tính ứng dụng?
Trên chuyến bay trở lại Cambridge vào đầu học kỳ, tôi* (*tác giả bài viết Isabel Sebode – chú thích của biên tập) chọn đọc tạp chí Brand Enis của Đức. Lướt qua các bài báo, một bài đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi với tựa đề “Aristocratic punk” (Punk quý tộc), nội dung về một cuộc phỏng vấn với nhà thiết kế người Pháp Odély Teboul về thời trang thời trang không hề có tính ứng dụng, tức không thể mặc được.
Nhìn vào các tác phẩm được trình bày trong CUCFS (Cambridge University Charity Fashion Show – Buổi trình diễn thời trang từ thiện của trường Đại học Cambridge) hoặc các buổi trình diễn của các nhà thiết kế sắp ra mắt, dường như có một điểm chung là: càng khiêu khích, không thể ứng dụng vào đời sống và gây tò mò (trong dư luận) thì càng tốt. Những năm gần đây chúng ta chứng kiến vô số sự thay đổi, khi nhiều thương hiệu độc lập chọn xây dựng fashion show của họ mang tính biểu diễn và thể hiện nhiều hơn, thay vì chỉ là dịp để tạo cảm hứng cho tủ đồ của một người bình thường.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Brand Eins, nhà thiết kế Odély Teboul (nhà sáng lập thương hiệu Augustin Teboul) giải thích lý do vì sao cô thiết kế những bộ quần áo mà sẽ không có ai mặc. Đối với cô ấy, chức năng của thời trang vượt ra ngoài tính ứng dụng. Cô ấy bị mê hoặc bởi chất liệu, kỹ thuật thủ công và sáng tạo ra cái mới từ chính cái cũ.
Quá trình thực hiện và tầm nhìn sáng tạo mới là những gì hấp dẫn nhất, không phải sản phẩm cuối cùng.
Quá trình thực hiện và tầm nhìn sáng tạo mới là những gì hấp dẫn nhất, không phải sản phẩm cuối cùng. Odély Teboul thiết kế, trưng bày, bán các mặt hàng mà chắc chắn rằng chúng chỉ sẽ mãi nằm yên một chỗ hoặc để làm đẹp trang bìa của một tạp chí.
Nhà thiết kế người Pháp cũng nhận thức được những tranh cãi về những sản phẩm của mình.“Đúng, nó thật sự tự cao tự đại, giống như khi cái tôi thể hiện trong âm nhạc hoặc làm thơ. Nhưng con người không chỉ muốn sống trong một thế giới chỉ dựa trên chức năng. Có lẽ nghệ thuật của tôi có giá trị ở khía cạnh đó?”
Mọi thứ quay về với từ khóa “nghệ thuật”. Teboul đưa cả những thiết kế không mặc được và có thể mặc được vào bộ sưu tập của mình, từ đó tạo nên sự kết hợp giữa nghệ thuật với quần áo dưới nhãn hiệu lớn mang tên “thời trang”.
“Đúng, nó thật sự tự cao tự đại, giống như khi cái tôi thể hiện trong âm nhạc hoặc làm thơ. Nhưng con người không chỉ muốn sống trong một thế giới chỉ dựa trên chức năng. Có lẽ nghệ thuật của tôi có giá trị ở khía cạnh đó?” – Odély Teboul trả lời trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Đức Brand Enis
Những thiết kế của Teboul rất độc đáo và các buổi trình diễn thời trang của cô ấy là sân khấu cho những sản phẩm này. Tại đó chúng không chỉ là quần áo mà còn là những vật thể hiện giá trị và triết lý nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Tuy vậy, thông điệp mà trường phái avant-garde gửi đi vẫn gây rất nhiều tranh cãi. Một mặt, nó phản đối các thương hiệu fast fashion như Primark, H&M,…chỉ quan tâm đến sản xuất đại trà – càng nhiều, càng nhanh, càng rẻ và tất nhiên càng tốt mà không quan tâm đến hậu quả môi trường.
Mặt khác, tương tự như vậy, kết quả của những fashion show này là lãng phí. Hiểu đơn giản đây chỉ là cho một buổi giới thiệu những bộ quần áo mà rất có thể sẽ ở lại phòng trưng bày được sắp đặt hoàn hảo mãi mãi. Hoặc có lẽ chúng sẽ được mua bởi thiểu số giàu có, nơi tác phẩm nghệ thuật duy nhất chìm trong đống quần áo. Từ quan điểm có phần bi quan này, thời trang không mặc được, không có chức năng dường như chỉ đang thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng theo một cách khác.
Teboul thừa nhận điều này và nhận định rằng “mâu thuẫn lớn của ngành công nghiệp thời trang vẫn còn: nó dựa trên việc không ngừng bán một cái gì đó mới cho những người đã có tất cả mọi thứ”.
Với mối quan tâm hiện tại của chúng ta về tính bền vững và giảm thiểu chất thải, câu hỏi đặt ra là có thể biện minh cho nghệ thuật không thể sử dụng được ở mức độ nào. Mặc dù chúng ta không thể nói rằng “thời trang không mặc được” tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại thời trang nhanh và sự lãng phí, có lẽ đây thậm chí không phải là vấn đề.
Trên thực tế, như bao nhà thiết kế khác, Teboul không hoàn toàn tập trung các bộ sưu tập của mình vào những thứ không mặc được, cô ấy cũng phải tạo ra lợi nhuận. Nhu cầu bán hàng vẫn còn trong bất kỳ ngành nào. Các nhà thiết kế sử dụng những thiết kế không thể bán được này như cơ hội để họ sáng tạo, thử nghiệm với chất liệu và giải phóng bản thân khỏi áp lực của việc tạo ra thời trang để phục vụ một mục đích nào đó.
Quan sát nó, từ chối nó hoặc cảm thấy truyền cảm hứng – thời trang không mặc được không buộc bất kỳ ai phải mặc bất cứ thứ gì. Nó chỉ đơn giản là sự biến đổi vật liệu thành nghệ thuật. Chúng ta không bắt buộc phải thấu hiểu một tác phẩm nghệ thuật hiện đại, chẳng hạn như của nghệ sĩ Kris Lemsalu, thay vào đó chúng ta chỉ cần nhìn vào nó mà không bị áp lực khi gán một chức năng cho nó.
Điều quan trọng cần phải phân biệt: thời trang không mặc được không cần phục vụ cho mục đích chính trị, thực dụng hay vì môi trường, mà nó là biểu hiện của mong muốn tự nhiên, của cái tôi khao khát sự sáng tạo vượt giới hạn thông thường.
Thời trang không có tính ứng dụng thiên về nghệ thuật thị giác, trong khi thời trang bình thường tồn tại nhằm mục đích mặc như chúng ta thường biết. Những thương hiệu như Reformation hoặc Veja bắt đầu phong trào chống lại việc sản xuất nguy hại, và thương hiệu cao cấp như Sea NY chống lại thời trang nhanh.
Từ bỏ thời trang không có tính ứng dụng vì sự dư thừa sẽ là sự phủ nhận tất cả nghệ thuật, buộc chúng ta phải sống trong một thế giới khải huyền, trong đó nhận thức của chúng ta về khí hậu đồng nghĩa với việc chúng ta phải đàn áp văn hóa. Có lẽ, vấn đề của ‘thời trang không có tính ứng dụng’, ‘xu hướng vô lý’ và ‘trang phục không có điểm nhấn’ không phải là sự tồn tại hay mục đích của nó mà là những nhãn mác gắn liền với nó. Việc phân loại nó thành nghệ thuật mang lại cái đích của tự do: tự do tồn tại một cách độc lập, thay vì phục vụ người khác.
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo bài viết của tác giả Isabel Sebode tờ Varsity (Anh)