Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

Sơ lược về lịch sử kỹ thuật in vải

In vải đã tồn tại hàng thế kỷ kể từ các nền văn minh cổ đại. Đây là kỹ thuật kết hợp nghệ thuật, kỹ thuật và công nghệ nhuộm với nhau, để hiện thực hóa những hình ảnh chỉ tồn tại trong tâm trí của nhà thiết kế dệt may hay nhà thiết kế thời trang. 

Bạn tưởng tượng mà xem, nếu thời trang chỉ có mảnh vải trơn mang màu sắc đơn thuần mà thiếu các hoạ tiết cầu kỳ phức tạp, vậy thì chắc hẳn sẽ có phần nào nhàm chán lắm! 

Kỹ thuật in vải dệt có lẽ là bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 và 5 trước Công Nguyên. Phương pháp in dệt đầu tiên được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc với kỹ thuật in khắc gỗ, hay còn gọi là in khối. Để làm ra hoạ tiết trên vải, người ta sử dụng một số dạng vật liệu như gỗ hoặc đồng đã qua chạm khắc để tạo nên hoa văn trên bề mặt vải. Tại một vài nơi, kỹ thuật này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. 

Qua nhiều thời đại, kỹ thuật in vải đã thay đổi rất nhiều. Nhưng tất nhiên, sự phát triển của công nghệ đã giúp cho ngành dệt in phát triển. Vào đầu thế kỷ 17, Công ty Đông Ấn bắt đầu vận chuyển bông in sang Anh. Tuy nhiên, người Anh đặt hàng công ty những mẫu hoạ tiết đơn giản hơn hoạ tiết truyền thông được người Ấn ưa dùng. Mãi đến năm 1676, một người Pháp tị nạn mới thành lập xưởng in đầu tiên ở Anh, nằm gần Luân Đôn.

Sau đó, vào thế kỷ 18, kỹ thuật in sử dụng trục lăn hoặc khối trụ xuất hiện. Đây là một quá trình mà theo đó vải được đưa dọc theo một hình trụ quay quanh trung tâm và được ép bởi một loạt các con lăn được khắc mẫu thiết kế. Mỗi con lăn được cung cấp một màu khác nhau và một số máy in con lăn có thể in 6 màu cùng một lúc, nhanh hơn so với kỹ thuật in khối.

Thế kỷ 20 đánh dấu sự xuất hiện của quy trình in lụa hiện đại. Vào giữa thế kỷ 20, chế độ in màn hình nhiều màu cho phép in lụa trên quy mô lớn với tốc độ nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Ngày nay, chúng ta có kiểu in kỹ thuật số, sử dụng tia laser điều khiển bằng máy tính để bơm mực trực tiếp vào vải. Điều này cho phép in các thiết kế với nhiều chi tiết phức tạp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tuy vậy, trong thời trang, các kỹ thuật in vải thủ công vẫn còn được những nghệ nhân, người làm thời trang ưa chuộng để tạo nên sản phẩm độc bản và mang tính cá nhân. Nghiên cứu các loại kỹ thuật tạo hoạ tiết trên vải cũng là niềm vui nếu bạn đam mê với việc sáng tạo với các loại chất liệu. Hãy chia sẻ cùng FACE các tác phẩm của bạn trong quá trình học tập và nghiên cứu nhé!

Post a Comment