Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

12 chất liệu vải phổ biến sử dụng trong ngành thời trang

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên một sản phẩm thời trang tốt là chất liệu vải. Mỗi một chất liệu sẽ có đặc điểm khác nhau về độ cứng, độ co giãn, hiệu ứng thị giác… Sự sáng tạo trong cách ứng dụng và phối hợp linh hoạt chất liệu cũng sẽ đem đến những thiết kế ấn tượng không kém những thiết kế có kỹ thuật dựng mẫu phức tạp. Dưới đây là 12 chất liệu vải đang được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang mà FACE The Fashion Design Academy muốn giới thiệu tới các bạn.

1. Cotton

Vải cotton được dệt từ sợi thu hoạch từ cây bông. Thường được dùng để may trang phục mùa hè (áo sơ mi, áo phông…) vì đem lại cảm giác thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Tuy nhiên đa phần vải cotton trên thị trường sẽ bị pha với sợi nhân tạo (sợi Poly) để giảm giá thành nên chất lượng sẽ kém hơn, trông bóng và ít nhăn hơn cotton 100%, khi đốt lên sẽ có khói đen và mùi khét.

2. Silk

Lụa là loại sợi tự nhiên có gốc từ protein do được dệt từ sợi tơ do con tằm nhả ra. Đặc điểm của lụa là mềm mịn, có độ bóng nhẹ, giữ nước, khi mặc bám nhẹ vào da. Bản thân lụa cũng có nhiều loại như lụa twill, lụa satin, lụa tơ tằm, lụa phi bóng (có pha sợi tổng hợp)…

3. Linen

Linen hay vải lanh, vải đũi là loại vải dệt từ sợi cây lanh, ít co giãn, thoáng mát, thường có màu sắc tự nhiên, cảm giác mộc mạc, giản dị nên thường được dùng để may trang phục mùa hè. Tuy nhiên linen dễ nhăn, dùng một thời gian sẽ hơi xù nhẹ.

4. Chiffon (Voan)

Chiffon là loại vải mỏng, nhẹ, sợi dệt thưa nên có cảm giác bán trong suốt, thường được dùng để may váy, đầm dạ hội, đầm cưới, sơ mi kiểu (blouse)… Chiffon thường có một mặt bóng và một mặt nhám. Chiffon ban đầu được làm hoàn toàn từ lụa cho đến khi vải nylon được phát minh thì được pha với sợi tổng hợp để giảm giá thành và dễ chăm sóc hơn.

5. Oganza

Oganza là loại vải có độ bóng, hơi xốp dệt thưa, trong suốt khá giống chiffon. Oganza không co giãn, hầu như không nhăn, có độ đanh nên giữ phom tốt, thường được dùng để may lớp ngoài trang trí cho áo hoặc đầm kiểu.

6. Lace (Ren)

Lace hay ren là loại vải dệt có độ thưa tương đối rõ giữa các sợi, tạo ra khoảng trống có thể trông thấy. Bề mặt ren có thể dệt hoạ tiết hoa lá. Vải ren thường được dùng để may lớp ngoài cho đầm cưới, đầm dạ hội hoặc viền trang trí.

7. Jacquard (Gấm)

Jacquard hay còn gọi là vải gấm, là loại vải được dệt từ sợi tơ, khá dày dặn, có độ nặng tương đối. Một mặt gấm thường được thêu hoa văn rực rỡ, óng ánh. Gấm thường được dùng để may trang phục truyền thống như áo dài hoặc các mẫu đầm dạ hội, đem lại hiệu ứng hoa lệ, lộng lẫy.

8. Taffeta

Taffeta là loại vải dày có độ bóng mờ, được dệt từ sợi tơ tằm, bông hoặc poly. Taffeta co rút khá đáng kể, khi cắt may có rất nhiều vụn. Vải Taffeta giữ phom tốt nên thường được dùng để may đầm dạ hội, đầm kiểu.

9. Velvet

Velvet hay vải nhung, là loại vải mềm mịn, xốp, co giãn vừa phải, có độ bóng nhẹ khi đặt dưới ánh sáng. Vải nhung giữ ấm tốt, toát lên vẻ sang trọng cổ điển, thường được dùng để may váy đầm hoặc lót trong áo khoác.

10. Denim

Denim hay vải jeans, là loại vải thô, dệt thoi từ sợi cotton màu trắng và sợi màu xanh chàm. Ưu điểm của denim là độ cứng cáp, bền bỉ. Denim pha sợi cotton và sợi poly giúp làm giảm độ co của vải hoặc pha sợi lycra để trăng khả năng co giãn. Chất liệu denim thường được dùng để may quần jeans hoặc áo khoác jeans.

11. Leather (Da)

Leather như tên gọi là loại vải làm từ da động vật (bê, bò, cừu…). Tuy nhiên da thật ngày nay khá đắt đỏ nên chỉ một số thương hiệu cao cấp mới sử dụng da thật để may áo khoác hoặc váy, còn lại đa phần là giả da từ sợi tổng hợp. Nhược điểm của da là dễ bong (nổ) sau một thời gian sử dụng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

12. Jersey

Jersey là loại vải thun dệt đơn từ sợi cotton, chỉ sử dụng một kim, hai mặt vải giống hệt nhau, tương đối co giãn.

Post a Comment