ĐÀO TẠO THỜI TRANG CÓ ĐANG LÃNG PHÍ CÁC NHÀ THIẾT KẾ TRẺ?
Khi mùa tốt nghiệp lại đến, các sinh viên thời trang đang làm việc cật lực để ra mắt bộ sưu tập chính thức. Qua một năm có nhiều sự thay đổi về cơ cấu, liệu các trường học, học viện thời trang có chuẩn bị sẵn sàng cho các sinh viên đáp ứng nhu cầu thay đổi của ngành? Liệu đào tạo thời trang vẫn thiên về kỹ năng cốt lõi? Có cần phải tập trung vào chuyên môn như trước?
Hằng năm cuộc đối thoại này luôn diễn ra theo chu kỳ khi mùa trình tốt nghiệp trở thành tâm điểm, hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang ở Vương quốc Anh tranh giành những công việc khan hiếm tại các hãng thời trang. Câu hỏi liệu chúng ta có đang sản xuất quá nhiều nhà thiết kế thời trang hay không là một câu hỏi mệt mỏi và câu trả lời lại quá phức tạp. Có khoảng 4.000 sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang mỗi năm và chỉ có 500 việc làm, vì vậy câu trả lời thẳng thừng là có. Tuy nhiên, khái niệm thời trang chỉ cần chứng nhận bằng cấp đã lỗi thời một cách sai lầm. Ngày nay, các nhà thiết kế thời trang được yêu cầu phải sáng tạo nhiều mặt, và ngành công nghiệp thời trang lại đang thay đổi với tốc độ vũ bão, vượt khỏi tầm đào tạo của các học viện thời trang hay bằng cấp chứng nhận. Các nhà thiết kế trẻ liên tục được yêu cầu phải bám sát truyền thông, khoa học, đạo đức và kinh doanh thời trang, chưa kể đến các kỹ năng sáng tạo và kỹ thuật quan trọng cần có để hình thành và hoàn thiện thiết kế từ khi lên ý tưởng đến sản phẩm hoàn chỉnh.
Ở các cấp cao trong ngành, nhu cầu các nhà thiết kế làm giám đốc sáng tạo, giám đốc kinh doanh, nhà sản xuất hình ảnh và gương mặt đại diện cho một đế chế được xem là nguyên nhân khiến nhiều nhà thiết kế từ bỏ các vị trí cao mà không hề do dự. Vì đã qua đào tạo, sinh viên thời trang được mặc định như đã chuẩn bị sẵn cho sự phức tạp của ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu, tuy nhiên liệu điều này có lợi hơn cho các nhà thiết kế trẻ thay vì chỉ tập trung phát triển các lĩnh vực chuyên môn trọng yếu?
Có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp vì không vừa ý đã rời bỏ các cơ sở giáo dục mặc dù thực tế là các trường đại học và trường thời trang của Vương quốc Anh thuộc hạng tốt nhất trên thế giới. Theo các cuộc khảo sát sự hài lòng hàng năm, nguyên nhân là vì lộ trình nghề nghiệp không được giải thích cặn kẽ, thiếu các lớp kỹ thuật như cắt mẫu và đào tạo kinh doanh. Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian, Sarah Mower MBE,Trưởng phòng phê bình của Vogue.com cho biết rằng có một khoảng cách lớn về kỹ năng đang xảy ra, vì nhiều thương hiệu đang khan hiếm thợ cắt mẫu lành nghề trong khi đây là môn học vẫn được giảng dạy tại trường suốt nhiều năm. Sinh viên tốt nghiệp có một bộ sưu tập, hóa ra đa số được thực hiện bởi thợ nghề.
Theo hội đồng kỹ năng ngành thời trang và dệt may Skillfast, hàng năm ngành này phải vật lộn để tuyển dụng nguồn nhân lực mới với bộ kỹ năng phù hợp. Nói một cách đơn giản, các trường đại học không dạy sinh viên những kỹ năng cơ bản mà họ cần để làm việc trong ngành thời trang. Nhìn bao quát hơn, ngành công nghiệp thời trang dường như đã có những cải cách sửa đổi bởi vì ở phạm vi vĩ mô, sinh viên không học được các kỹ thuật cơ bản. Có lẽ, số liệu việc làm sau đại học quá ảm đạm vì các tổ chức thời trang đã bỏ qua những phần thiết yếu trong sản xuất. Linda Florance, giám đốc điều hành của Skillfast chia sẻ với The Guardian: “Sản lượng sản xuất đang thất bại vì các doanh nghiệp của họ cạnh tranh để tìm kiếm những người có tay nghề cao với nhiều tài năng thực tế nhưng hệ thống giáo dục và đào tạo không cung cấp đủ nhân lực. Điều này làm các nhà tuyển dụng ngày càng lo ngại.”
Trong khi các thế hệ trước từ lâu đã kêu ca rằng trải rộng bản thân trên nhiều lĩnh vực theo đuổi sẽ dẫn đến hiểu biết sâu sắc ở từng lĩnh vực, thế hệ hiện đại ngày nay tự tin đa nhiệm trên nền tảng kỹ thuật số và được thúc đẩy bởi khả năng tăng tốc liên tục ở chính môi trường giáo dục của họ. Cơ hội sẽ luôn có cho một làn sóng sinh viên mới tốt nghiệp trẻ tuổi, khát khao muốn thể hiện sự sáng tạo và kỹ năng theo nhiều cách để phát triển, nhưng số phận của các hình mẫu đa dạng của thời trang – từ Raf Simons đến quyết định từ bỏ vị trí tại nhà mốt nổi tiếng gần đây của Hedi Slimane hé lộ rằng có điều gì đó không ổn. Vậy, bài học rút ra ở đây là gì?
Xu hướng thành công nhất của thời trang ngày nay cho thấy sự cần thiết phải tinh chỉnh định nghĩa của nhà thiết kế; từ Vetements đến Christopher Kane, các thương hiệu đang phân biệt rõ ràng hơn giữa nhóm kinh doanh và sáng tạo trong sản phẩm đầu ra của họ. Stella McCartney thuê các giám đốc nghệ thuật, giám đốc hình ảnh ở cấp cao nhất trong hội đồng quản trị để chịu trách nhiệm về các quyết định, định hướng hình ảnh hữu hạn của thương hiệu. Đây không phải là khái niệm mới: “Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các nhà sáng tạo tuyệt vời trong thời trang đều kinh doanh kém, từ Poiret đến Yves Saint Laurent. Giải pháp có thể không phải là dạy họ kinh doanh mà là giúp họ tìm được đối tác phù hợp, giống như YSL đã tìm thấy Pierre Bergé,” Roger Tredre, một giảng viên liên kết tại Central Saint Martins, cho biết.
John Bates, giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sáng tạo của Đại học Nghệ thuật London và là giáo sư trợ giảng tại Trường Kinh doanh London, đã bắt đầu khóa học Liên doanh Sáng tạo Mới được thiết kế để thiết lập “ngôn ngữ chung” giữa các sinh viên sau đại học của Đại học Nghệ thuật London và Sinh viên MBA của Trường Kinh doanh London.
Có lẽ việc tìm kiếm đối tác phù hợp là một giải pháp rõ ràng cho các nhà thiết kế non trẻ muốn mở thương hiệu dù thiếu các kỹ năng kinh doanh bắt buộc cần thiết Đối với rất nhiều nhà thiết kế trẻ, những người cố gắng mở thương hiệu ngay khi còn ngồi ghế nhà trường, toàn bộ mô hình kinh doanh của họ đều dựa trên việc giành chiến thắng trong các cuộc thi vì có sự đảm bảo về nguồn vốn, hỗ trợ từ các tổ chức. Mặc dù chiến lược này là cơ hội cho một nhóm nhân tài hiếm hoi ở London, với sự hỗ trợ dồi dào của Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy các nhà thiết kế mới nổi, đó vẫn là một chiến lược kinh doanh hoàn toàn thiếu sót và gần như chắc chắn sẽ thất bại vì tài năng trên khắp thế giới sẽ sớm soán ngôi quy ước, phá vỡ ranh giới và làm việc như những người hiện đại thông thạo về thiết kế, kinh doanh, PR, đạo đức và hơn thế nữa.
Thực tế là bắt đầu thương hiệu hiệu của riêng bạn khi còn trẻ có nghĩa là bạn cần phải là cánh tay đắc lực của chính mình trong kinh doanh, PR cũng như tất cả mọi thứ của riêng bạn và đó là một quá trình mất rất nhiều thời gian, công sức. Anna Wintour, đệ nhất phu nhân thời trang và là Giám đốc biên tập của Condé Nast đã có một số lời khuyên khắc nghiệt dành cho các sinh viên vào đầu năm nay, đó là hãy ngừng mộng tưởng về việc thành lập thương hiệu riêng và hãy đi tìm việc. Thành công trong giới thời trang không chỉ có một con đường duy nhất. Nếu có khả năng hãy thực hiện cả hai hay đơn giản là làm một công việc cho phép bạn duy trì chiến lược để một ngày nào đó có thể tự tin mở thương hiệu riêng.
Nếu ngày càng có nhiều nhà thiết kế trẻ muốn tự ra mắt thương hiệu riêng, hiển nhiên giáo dục thời trang cần phải được cải cách triệt để. Bằng cấp thời trang phải có thời gian để phát triển liên tục, tự vấn, thử thách và suy ngẫm. Tại sao sản phẩm cuối phải là bộ sưu tập, vốn tốn từ hàng trăm đến hàng nghìn bảng Anh chỉ để bắt chước cơ cấu của ngành theo mùa và theo quy cách trình diễn truyền thống mà có thể trong tương lai sinh viên sẽ không áp dụng? Điều này cần có sự lựa chọn và linh hoạt.
Có cách nào để sinh viên chứng minh rằng họ đã luôn cần cù trau dồi kỹ năng chuyên môn, sở thích, lĩnh vực trọng tâm hoặc điều tra thẩm mỹ, kỹ thuật? Thay vì được yêu cầu học hỏi, tiếp thu mọi thứ chỉ trong ba năm ngắn ngủi mà không cống hiến bất cứ thứ gì ngoài một giáo trình ngắn ngủi, dự án tạm thời và bộ sưu tập tốt nghiệp được thực hiện một cách vội vàng, đâu là lựa chọn thay thế? Với sự nổi dậy sắp tới của Thế hệ Z, liệu hệ thống giáo dục truyền thống quan liêu, mệt mỏi ở cấp đại học có thực sự đáp ứng được nhu cầu của một loạt các sáng tạo mới trong thực tế?
Chuyển ngữ: Long Nguyễn
Theo Notjustlabe