Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

Liệu Haute Couture có khước từ công nghệ?

Công nghệ in trang phục 3D đã được Karl Lagerfeld sử dụng trong bộ sưu tập Chanel Haute Couture Thu/Đông 2015. Với ẩn ý suy được từ sàn runway được bài trí như một sòng bạc hoa lệ,  thì liệu Chanel có đang đánh một ván cá cược lẫy lừng trong khi mọi thứ dường như đang bước vào thời kì suy thoái đối với nhà mốt kỳ cựu này? Giám tuyển Anne Rebecca đã đưa ra nhận định sắc bén về thế giới thời trang, nghệ thuật và công nghệ khi chúng giao thoa lẫn nhau trong bộ sưu tập này.

Bên trong sòng bạc sáng choang, những nhân vật nổi tiếng và quyền lực đang bánh bạc với thẻ bài và xúc xắc giữa lúc những người mẫu đình đám trình diễn dưới tiếng nhạc rộn ràng, đó là bầu không khí của bộ sưu tập Chanel Couture. Đầu tiên, Kristen Stewart xuất hiện. Cô đi đến chiếc bàn giữa khán phòng rồi chọn lấy một chỗ ngồi. Theo sau cô là những nàng thơ đượng đại của Chanel dưới triều đại ông hoàng Lagerfeld: Rita Ora, Lara Stone, Vanessa Paradis, Geraldine Chaplin, Stella Tennant, Rink Kikuchi, và cuối cùng là vật báu bấy lâu của Hollywood Julianne Moore.

Mỗi một bộ trang phục trình diễn Haute Couture sắp sửa lướt qua đều được Lagerfeld đích thân thiết kế. Sự hào hứng và khung cảnh trào phúng lộng lẫy nhưng giả tạo đã phản chiếu một nơi chốn hiểm nguy, ma mãnh và đồng thời cũng đầy cám dỗ – khung cảnh đó đã tiết lộ nên thần thái của bộ sưu tập Chanel Haute Couture mùa Thu – Đông 2015.

Buổi trình diễn này được tổ chức cũng công phu như những show diễn trước đó của ông hoàng thời trang – hiệu ứng và ý tứ trình diễn được nâng cao, mà trong đó việc dàn dựng sàn diễn runway không khác gì một loại hình nghệ thuật – tuy nhiên, lần này lại có một điều gì đó khác biệt mạnh mẽ hơn cả. Ông đã để cho đỉnh cao couture giao thoa cùng công nghệ tương lai, và tái tạo các biểu tượng của Chanel trong không gian ba chiều.

“Ý tưởng đó là biến những chiếc jacket biểu tượng của thế kỉ 20 thành phiên bản của thế kỉ 21 bằng kỹ thuật chưa từng có vào thời điểm bấy giờ” Lagerfeld đã nói vậy. Thường xuyên thăm dò và thể nghiệm những giới hạn của trào lưu avant-garde, thật xứng đáng để nhắc lại bước đột phá khai thủy của Chanel jacket vào năm 50 khi Gabrielle Chanel cho ra mắt. Đó là bước tiến táo bạo tạo lập nên một phong cách trường tồn theo từng thời đại, bởi sự sáng tạo trên nền trang phục đã khiến nữ giới cùng niềm đam mê cái đẹp của mình bắt đầu tiến đến sự tự do. Đã 65 năm trôi qua và thế giới bước vào một thời đại mà công nghệ có vẻ như ngày càng ảnh hưởng một cách tinh vi đến đời sống sinh hoạt thường nhật, do đó, Lagerfeld đã có những cải tiến hợp thời hơn, như Chanel đã từng. “Những gì giữ cho couture tồn tại, là những bước tiến song hành cùng với thời gian”, Laferfeld trả lời phỏng vấn như thế AFP. “Nếu nó ngủ say như người đẹp ngủ trong rừng nơi tòa tháp cổ, hãy quên lãng nó đi”.

Hòa trộn công nghệ mới với nghệ thuật thêu đính thủ công, cấu trúc trang phục 3D này đã được tạo dựng mà không hề có đường may, cùng với kết cấu dẻo dai đàn hồi của bản thân chất liệu. “ Toàn bộ chiếc jacket chỉ là một mảnh liền toàn vẹn, không có đường chỉ, bởi nó đã được đúc nên nguyên khối”, Lagerfeld cho biết thêm.

Đó là cách mà công nghệ tân tiến đã phục vụ cho Haute Couture, một thí nghiệm và trải nghiệm đích thực về mặt kỹ thuật may mặc. Nhưng làm sao ta có thể bao dung cho cái gọi là “kỹ thuật” tự động hóa trong haute couture chân chính? Thật nguy hiểm và tàn nhẫn khi tước đoạt đi những công đoạn thao tác thủ công được thực hiện từ những nghệ nhân đầy tôn kính từ bao đời nay? Cái tên SLS (Selective Laser Sintering) – công nghệ sử dụng khả năng của tia laser để nung kết trên chất liệu theo thông số được xác định bởi mô hình 3D. Vì vậy, thay vì sử dụng vải thông thường cùng với chỉ khâu nhằm gắn kết từng mảnh tiết diện phẳng và tạo nên một bộ trang phục thì thay vào đó người ta đúc nguyên khối ba chiều. Kết quả là y phục trông như như những “chiếc lồng” nhồi nhét bên trong lớp vải đệm. Bề mặt này sau đó được thêm thắt với những hình thêu và motif bện từ xưởng thủ công Lesage, sau cùng được finishing hoàn thiện tại xưởng chính của Chanel. “Tất cả bộ trang phục đều được thêu tay” Lagerfeld cho biết “Dĩ nhiên chúng tôi sử dụng chất liệu chính chiffon và satin nhưng phần lớn chúng đều được thêu thùa. Những viên ngọc trai bé tí hon nằm rải rác lên tới  số lượng hàng triệu trên chiếc đầm. Nhưng sự kỳ ảo của các hiệu ứng thị giác này được gắn liền với thực tại, và sẵn sàng được khoác lên người”.  Đó là một cuộc hôn phối giữa nghệ thuật thêu truyền thống và kỹ thuật hiện đại.

Thể nghiệm mới của Lagerfeld là một nỗ lực để tạo nên sự giao thoa cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Vì thế, nó có thể mang đến một hướng đi mới cho Haute Couture – một loại hình nghệ thuật thức thời và linh hoạt hơn những di sản từng tỏa sáng của nó. Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra: liệu đây có phải là haute couture? Câu trả lời cần được kiểm chứng qua thời gian. Nói một cách thẳng thắn, những thiết kế haute couture được bảo hộ tại Paris bằng những điều luật và quy chuẩn của Bộ Công Nghiệp Pháp, nơi 14 ngôi xưởng hoàn toàn may đo thủ công đáp ứng từng yêu cầu đặc biệt và khắt khe của mỗi khách hàng. Khi câu hỏi liệu kỹ thuật đó có  nên được đánh giá là haute couture, Lagerfeld đáp lời rằng ông tin tưởng nó “sẽ mở rộng thêm một loại hình mới” và sẽ được sử dụng nhiều hơn trong tương lai.

Không dễ dàng gì – cải tiến những truyền thống để tránh sa vào hố sâu của tương lai mà vẫn giữ được DNA của một thương hiệu. Nhưng điều quan trọng hơn cả, kiệt nhân thời trang tóc bạc Lagerfeld có vẻ như cố ý nhấn mạnh về thế giới ngày nay “Thời trang đuổi theo những gì đang diễn ra trên thế giới”, ông nói, “Và tôi thích ý tưởng chiếc jacket biểu tượng nổi tiếng nhất của thế kỉ 20 được tái tạo lại lại bằng với một thứ kỹ thuật mà thời đấy người ta không tài nào tưởng tượng nổi là có ngày nó sẽ xuất hiện”.

Công nghệ  vừa đáp ứng, vừa cấu tạo nên nhu cầu hiện tại của con người trong cuộc sống. Khi đang đà lao vùn vụt về phía trước, tự bản thân chúng ta nên hỏi rằng liệu đến khi nào trang phục được làm thủ công tỉ mỉ khoảng cuối thế kỉ sẽ lùi về trở thành một phần của lịch sử thời trang. Có lẽ Lagerfeld đã có câu trả lời trong hiện tại: couture thêu thùa cao cấp kết hợp cùng kỹ thuật tân tiến. Có lẽ một kỷ nguyên mới đang đến gần. Dù vậy, vẻ đẹp vẫn ở đó và khuôn khổ nghệ thuật thì vẫn vậy. Lagerfeld lại một lần nữa thành công với tầm nhìn của mình.

“Thời trang theo đuổi những thứ đang diễn ra trên thế giới.”

Post a Comment