Nghề dệt thủ công Bảy Hiền ở Sài Gòn
Nằm trên một số tuyến đường chủ yếu như Võ Thành Trang, Phạm Phú Thứ, Phan Sào Nam… thuộc địa bàn phường 11, quận Tân Bình, TPHCM, làng dệt Bảy Hiền phần lớn được duy trì và phát triển bởi những hộ gia đình người huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quảng Nam di cư vào Sài Gòn lập nghiệp trong những năm chiến tranh ác liệt. Vào những năm 80 – 90 thế kỷ trước, làng dệt nức tiếng này có tới 1.700 hộ theo nghề, lượng vải làm ra cung cấp khắp miền Nam. Những dịp cuối năm, cứ đến làng Bảy Hiền sẽ được nghe tiếng “ầm ầm”, “xình xịch” do con thoi va đập vào khung gỗ, tiếng “lách tách” của máy se chỉ, tạo nên một không khí khẩn trương và nhộn nhịp cho ngôi làng dệt này. Ngày nay, những thanh âm quý giá này chỉ còn le lói sau từng cánh cửa khép kín.
Ông Trương Mậu Đông (47 tuổi, ở đường Nguyễn Bá Tòng) là người hiếm hoi thuộc thế hệ thứ sáu trong gia đình theo nghề dệt. Một mình ông phụ trách 4 máy dệt khung gỗ, công nghệ của những năm 1980. Cứ khoảng 5 – 10 phút, ông Đông tra con thoi vào khuôn để tiếp tục dệt. Theo ông, công việc này lặp lại và kéo dài suốt 6 đến 8 tiếng trong ngày.
Vừa dệt, ông Đông vừa kiêm công việc sửa máy khi gặp sự cố. Người thợ hơn 30 năm gắn bó với nghề chia sẻ: “Máy dệt thủ công nên thường gặp trục trặc. Lỗi nhẹ thì không sao, còn nếu thay cả khung gỗ Nghè Diễn như ngày xưa thì khó lắm vì không nơi nào sản xuất nữa”. Cũng theo ông Đông, mỗi máy dệt gỗ hoạt động cả ngày lẫn đêm được 40 – 50m vải mộc loại phi bóng. Loại vải này bán ra thị trường giá khoảng 6.000 đồng mỗi mét. Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 5 triệu đồng từ nghề, chỉ tạm đủ ăn chứ không dư dả.
Là người hiếm hoi thế hệ thứ năm trong gia đình theo nghề dệt, và còn giữ máy dệt khung gỗ của những năm 1980, chị Kim Thu thở dài: “Nghề này khó và cực lắm, máy chạy cả ngày, thợ phải luôn tay luôn mắt. Nhiều năm trước, gia đình tôi cũng có hơn chục máy. Máy mua cả hơn cây vàng một cái, giờ hàng làm ra ế ẩm quá nên phải bán bớt.”
Nằm trong con hẻm nhỏ đường Bảy Hiền, xưởng dệt Năm Lý từ những năm 70 của thế kỷ trước với 6 máy tất bật hoạt động. Chị Lê Ân – truyền nhân đời thứ ba nối nghề từ các cụ cho biết: “Máy móc trong xưởng lỗi thời quá, sản phẩm làm ra năng suất thấp, buôn bán ế ẩm, trong khi nhiều nơi sản xuất hàng loạt với máy móc hiện đại, nên nhiều thợ cũng không biết còn làm nghề này tới khi nào.”
Theo chị Ân, mỗi máy dệt hoạt động cả ngày lẫn đêm được 40 – 50m vải thô mộc loại phi bóng, bán ra thị trường giá khoảng 6.000đ/m. Tiền bán vải không nhiều gì nên lớp trẻ không theo nghề. Thời hoàng kim, vải Bảy Hiền rất có tiếng, giá từ 15.000 – 20.000 đồng/mét, giờ giảm chỉ còn phân nửa, thậm chí 1/3 giá, ế ẩm nhiều người bỏ nghề. Các xưởng còn sót lại chủ yếu là do những người thợ muốn giữ nghề cha ông để lại.
Tiếng khung dệt đập vào nhau “xình xịch”, những con thoi chạy thoăn thoắt, bên kia máy là phần vải đang dần được hoàn thành tạo nên một không gian sản xuất rất hoài cổ, bình yên. Vì không nỡ bỏ nghề dệt nên nhiều gia đình bấm bụng bỏ ra số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để chuyển đổi từ máy dệt khung gỗ sang máy nước, máy kim với hy vọng làng dệt Bảy Hiền hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, việc sản xuất số lượng ồ ạt, khiến vải tồn đọng ngày càng nhiều, tiền gia công giảm có lúc không đầy 800đ/m. Tiền vải bán ra không đủ bù tiền mua máy, cũng không gánh nổi tiền thợ, nhiều cơ sở dệt cho công nhân nghỉ dần, chủ yếu người trong gia đình làm, nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Thời đại công nghệ hiện đại 4.0 dẫn đến sự thất thế của làng nghề truyền thống, và làng dệt Bảy Hiền không là một ngoại lệ với những khung gỗ dệt cần nhiều thời gian và công sức không thể cạnh tranh với máy móc hiện đại đạt năng suất cao. Số hộ dân trụ với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, tiếng máy chạy xình xịch chìm sâu giữa tiếng xe cộ hối hả, những thước vải danh tiếng một thời giờ chật vật kiếm chỗ đứng trên thị trường. Làng nghề dệt truyền thống Bảy Hiền dần dần trở thành ký ức đẹp của người xứ Quảng tại Sài Gòn.
Theo VnExpress, Nguoilamnghe, iViVu
Ảnh: VnExpress, Thanhnien