Close
Type at least 1 character to search
Back to top

Face Fashion Design Academy

Đằng sau sự đắt đỏ của những chiếc đầm cưới

Theo một số thống kê, giá của một chiếc đầm cưới trung bình giao động trong khoảng từ $500 – $1000. Con số này có thể gấp lên vài lần nếu chiếc đầm cưới đó được tạo nên bởi một thương hiệu tiếng tăm. Nếu so sánh với trang phục thường ngày thì một chiếc váy cưới quả là vô cùng đắt đỏ, lại chỉ mang được một lần trong đời. Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao những chiếc đầm cưới lại đắt đến như vậy chưa? Để F.A.C.E The Fashion Design Academy giúp bạn lý giải trong bài viết này.

Chất xám

Đầu tiên cần khẳng định, quá trình tạo nên một chiếc đầm cưới tinh tế và tôn lên vẻ đẹp của các cô dâu trong ngày trọng đại là không hề đơn giản. Một nhà thiết kế đầm cưới cần có kiến thức sâu rộng và chắc chắn về cơ thể người, chất liệu, các kỹ thuật tạo độ ôm, độ phồng, corset, váy lót… không chỉ để phác thảo ra được mẫu thiết kế một cách sáng tạo mà còn chuyển tải thành công ý tưởng đến sản phẩm thực tế. So với các nhà thiết kế thời trang đồ may sẵn (ready-to-wear), một nhà thiết kế chuyên về đồ cưới cần rèn luyện thông thạo nhiều kỹ thuật hơn, tập trung vào chi tiết hơn và thậm chí kiên trì thử nghiệm hơn, bởi quá trình tạo nên một bộ trang phục cưới thường mất nhiều thời gian hơn so với trang phục hàng ngày.

Chất liệu

Khi nhìn vào một chiếc đầm cưới, bạn cũng có thể thấy rõ rằng cần nhiều vải vóc hơn để làm đồ cưới hơn các loại trang phục khác. Các chất liệu như: voan, tulle, lụa taffeta, ren,… thường được kết hợp linh hoạt với nhau trong một chiếc đầm cưới. Nhưng chất liệu cứng thường được dùng để làm lớp váy lót, tạo khối, dựng phom trong khi những chất liệu mềm mại, mỏng nhẹ thường được dùng làm lớp trang trí. Giá thành của những chất liệu này cũng cao hơn chất liệu phổ thông tạo nên trang phục hàng ngày (cotton, linen, khaki, sợi tổng hợp…)

Sức lao động

Để tạo nên một bộ váy cưới thì không thể chỉ có một mình nhà thiết kế hay một thợ may mà thường là cả một đội ngũ, từ người tạo rập (pattern maker), thợ may, thợ đính kết. Sự phức tạp và công phu của những chiếc đầm cưới cũng đòi hỏi những người thợ này phải có chuyên môn cao, tay nghề vững chắc. Sản xuất trang phục trong một xưởng may công nghiệp có thể chỉ cần đến một mẫu rập, đưa vào máy cắt là có thể xử lý nhanh chóng, các khâu may ráp tương đối cố định và không yêu cầu kỹ thuật cao thì may đồ cưới lại hoàn toàn khác. Mỗi một bộ phận của một chiếc đầm cưới có thể cần đến kỹ thuật may khác nhau. Thêm vào đó, nếu là mẫu đầm cưới có chi tiết trang trí và đính kết phức tạp thì chi phí trả cho người thợ đính kết cũng cao hơn.

Chi phí vận hành bộ máy kinh doanh

So với trang phục may sẵn mặc hàng ngày thì nhu cầu mua đầm cưới thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để đưa một bộ đồ cưới từ xưởng thiết kế cho tới phòng thử đồ của các cô dâu thì vẫn cần một bộ máy vận hành tương tự như kinh doanh trang phục may sẵn, thậm chí còn đắt đỏ hơn. Hãy thử tưởng tượng đến việc khi thử váy cưới, các cô dâu sẽ cần đến một phòng thay đồ rộng rãi, có nhân viên hỗ trợ thử đồ và một số dịch vụ điều chỉnh trang phục đi kèm. Đó cũng là một phần lý do đẩy cao giá trị của những chiếc váy cưới.

Đắt đỏ là thế song điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến mong muốn được khoác lên người những chiếc đầm cưới lộng lẫy như trong mơ của các cô dâu hiện đại. Vậy nên ngành công nghiệp đồ cưới hiện đang là ngành công nghiệp kinh doanh tỉ đô và vẫn có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Các thương hiệu thời trang cao cấp không ngừng tỏ ra tham vọng muốn tấn công vào mảng đồ cưới.

Tại F.A.C.E The Fashion Design Academy, bên cạnh Khoá học Thiết kế Thời trang (Fashion Design), Khóa học Evening Gown & Wedding Dress – Thiết kế đồ cưới và đầm dạ hội cũng được tổ chức thường xuyên, đem đến cơ hội tiếp cận với công việc thiết kế đồ cưới một cách chuyên nghiệp. Khoá học kéo dài trong 1 năm, cung cấp kiến thức thời trang căn bản khi cắt may tạo hình trang phục, đưa ra phương pháp thiết lập tỉ lệ cân đối cho người mặc. Ngoài ra cũng có những môn học chuyên biệt và xử lý bề mặt chất liệu, đính kết chuyên sâu theo phương pháp Ấn Độ học cùng giảng viên nước ngoài.

 

Post a Comment